Trêu đùa tâm linh

Danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam không chỉ khiến dư luận sởn da gà về tình trạng háo danh của một số cá nhân, tổ chức, mà còn cho thấy một thực trạng tầm thường hóa và trêu đùa tâm linh đang trở thành xu thế của một bộ phận.

Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam Phạm Nữ Hiền Ngân.

Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam Phạm Nữ Hiền Ngân.

Trêu đùa tâm linh là người ta gắn ghép lệch lạc một loại hình văn hóa với một danh hiệu tầm thường. Văn hóa tâm linh của Việt Nam thờ đạo Mẫu, đạo Phật, đạo Thiên Chúa và một số đạo khác. Ghép một hình thái văn hóa (văn hóa tâm linh) với một tước vị, một danh hiệu (nữ hoàng) là vô duyên và vô nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh. Chưa kể danh hiệu đó được các tổ chức được thiết kế và “đo ni đóng giày” cho các cái tên đã định.
Trêu đùa tâm linh là tình trạng người dân chen nhau đi trẩy hội, chen lấn xô đẩy cướp lộc, đốt cả mâm vàng mã, hàng chục bó hương để trả nợ thần linh cầu mong phú quý cho riêng mình. Một số người đi lễ hội không phải để vui chơi, thưởng ngoạn hoặc tỏ lòng thành kính, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước mà chỉ nặng về khấn lễ, xin cho mình đủ thứ không xứng đáng được hưởng thì đó là thứ tiêu cực, là mê tín, không phù hợp với tinh thần của lễ hội trong sáng, lành mạnh. Tâm linh trở thành thứ vay - trả dễ dãi của người có mưu cầu lợi ích. Là thứ khát khao kiểm soát và thể hiện của những người kém văn minh.
Chưa rõ, những người như bà Phạm Nữ Hiền Ngân - người được một tổ chức phong là Nữ hoàng văn hóa tâm linh, cũng như nhiều người chen chúc đi hội, đi chùa cầu xin thần Phật đóng góp được gì cho sự gìn giữ và bảo tồn di sản, mà chỉ thấy tai tiếng và những hành động gây hậu quả khôn lường. Bà Ngân được nhiều người biết đến với việc tham gia hầu đồng, một nghi lễ tâm linh trong các phủ, đền ở Việt Nam. Nhưng chưa ai khẳng định được tài năng về giọng hát chầu văn, điệu múa trong các giá hầu mà bà Ngân đem lại, mà chỉ thấy bà có mặt ở khắp các sự kiện văn hóa trong và ngoài nước để đánh bóng tên tuổi. Đôi khi, những việc tưởng như vô hại của bà Ngân có thể truyền tải sai lệch di sản đã được UNESCO công nhận.
Có thể khẳng định, ngoài những người lợi dụng tâm linh để trục lợi, thì niềm tin tâm linh cũng tạo ra sức mạnh của tinh thần đoàn kết, bản sắc văn hóa và tự tôn dân tộc. Nhưng bi kịch của người Việt là tầm thường hóa tất cả mọi thứ trong đó có tâm linh. Nếu như tâm linh là đức tin, là sự thành kính để giúp con người giải thoát những ham muốn phàm tục, hướng con người đến tính thiện, thì ngày nay, nhiều người lại lấy tâm linh để mưu cầu danh lợi. Đây là suy nghĩ lệch lạc, là những hành vi thiếu văn hóa cần phê phán.

Lan Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/treu-dua-tam-linh-347497.html