Tri ân công đức Thiền sư Pháp Loa với Phật giáo Việt Nam
Thiền sư Pháp Loa - Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm đã để lại nhiều đóng góp cho Phật giáo, góp phần phát triển chuẩn mực đạo đức, văn hóa đất nước. Nhân kỷ niệm 695 năm ngày sinh của Thiền sư, tối 29.3 đã diễn ra các hoạt động tưởng nhớ công đức của ông.
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Thiền sư Pháp Loa là Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Pháp Loa tên đời là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284 tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Nam Sách, Hải Dương). Cha là Phật tử, pháp danh Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Phú Lê
Tương truyền, bà Vũ Từ Cứu nằm mộng thấy dị nhân trao cho thanh kiếm thần và sau đó mang thai, bà đặt tên con là Kiên Cương. Đồng Kiên Cương còn nhỏ đã có chí khác thường, không nói lời ác...
Năm 1304, Đồng Kiên Cương gặp Phật hoàng Trần Nhân Tông liền đỉnh lễ xin xuất gia, được đặt tên là Thiện Lai. Năm 1305, mến tài đức của Thiện Lai, Phật hoàng ban pháp danh là Pháp Loa, sau đó nhận chân Trụ pháp Vương gia - trì Như Lai tạng, trụ trì chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử, và được Đức Trúc Lâm Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông trao trọng trách làm Tổ thứ hai của Thiền phái.
Năm 1330, tức mùng 3.3 năm Canh Ngọ, Nhị Tổ Pháp Loa viên tịch. Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, với 47 năm tuổi đời, 26 năm tuổi đạo, 12 năm làm Đệ nhị Tổ thiền phái Trúc Lâm, Thiền sư Pháp Loa đã để lại nhiều đóng góp cho Phật giáo và góp phần phát triển chuẩn mực đạo đức, văn hóa của đất nước, tạo nên một trong những giai đoạn phát triển nhất của lịch sử dân tộc.
Đó là duy trì và phát triển triết lý Phật giáo Trúc Lâm do Đệ nhất Tổ truyền trao; soạn thảo, hiệu đính, cho khắc mộc bản in ấn nhiều bộ kinh sách Phật giáo; tiếp độ và truyền thụ tri thức Phật giáo cho nhiều Phật tử xuất gia và tại gia; xây dựng hệ thống đào tạo tăng tài chính quy và được xem là người sáng lập tổ chức bậc Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.
Ông cũng xây dựng nhiều tự viện Phật giáo làm trung tâm tu học đạo đức, xây dựng lối sống nhân quả, Phật tại tâm tốt đẹp trong nhân gian...

Trình diễn trích đoạn cải lương “Pháp Loa, Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm”. Ảnh: Phú Lê
Tại đêm giao lưu với chủ đề "Tri ân Tam tổ Trúc Lâm", TS. Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, đã chia sẻ về dòng chảy của Phật giáo Trúc Lâm xưa và nay, vị trí thánh địa Ngọa Vân am trong tâm thức người Việt.
Khách mời trong chương trình cũng được thưởng thức một số tác phẩm diễn xướng thơ, nhạc về chủ đề Trúc Lâm, về Phật hoàng Trần Nhân Tông, ca ngợi công đức Tam Tổ Trúc Lâm…; xem trình diễn trích đoạn cải lương “Pháp Loa, Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm” do các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện...