Tri ân công lao cha mẹ đã tạo nên một gia đình học tập
Tôi đọc kỹ nội dung thể lệ cuộc thi 'Gia đình học tập', điều duy nhất đập vào tầm mắt và in trong tâm trí tôi là dòng chữ 'tri ân công lao cha mẹ'. Chỉ dòng chữ này thôi đã khiến tôi hạ quyết tâm viết lại tâm tư của mình.
Bài dự thi cuộc thi viết "Gia đình học tập" của tác giả Nguyễn Thị Minh (Quảng Ninh)

Gia đình tôi có 3 chị em gái, bố mẹ tôi không có con trai. Ảnh: nvcc
Viết về gia đình học tập, tôi băn khoăn có nên tham gia không. Vì lâu lắm rồi tôi mặc nhiên hình thành thói quen lười viết ra những cảm nhận, suy nghĩ của mình, lười cả việc mô tả lại những kí ức của bản thân từ thuở thiếu thời.
Nhưng khi tôi đọc kỹ nội dung thể lệ cuộc thi "Gia đình học tập", điều duy nhất đập vào tầm mắt và in trong tâm trí tôi là dòng chữ "tri ân công lao cha mẹ". Chỉ dòng chữ này thôi đã khiến tôi hạ quyết tâm viết lại tâm tư của mình.
Nếu nói gia đình học tập, tôi vẫn thường nghĩ đó hẳn phải là một gia đình có truyền thống hiếu học, ví dụ như ông bà, bố mẹ đều là cán bộ, công chức, nhà giáo hoặc thuộc thế hệ gia đình tri thức nhiều đời. Cho nên so về bối cảnh của bản thân mình, tôi không dám nhận "gia đình học tập". Nhưng tôi vẫn muốn kể cho mọi người nghe về bối cảnh của gia đình tôi để các bạn hiểu vì sao tôi có động lực để viết nên những dòng chia sẻ này.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ba chị em gái, mà tôi là chị cả. Bố tôi, một người con trong đại gia đình có tám anh chị em. Các bác, các cô, các chú đều thuộc thế hệ trước xuất thân trong gia đình truyền thống làm nghề chài lưới. Ông bà nội tôi vốn từ hai bàn tay trắng, mưu sinh bằng nghề bám biển để nuôi tám người con lớn lên, dựng vợ gả chồng, nên việc đi học đầy đủ với bố tôi, cùng các anh chị em là điều khá xa sỉ. Tuy vậy bố tôi cùng các anh chị em vẫn được ông bà cho đi học hết cấp 1-2 thời bấy giờ, để không ai bị "mù chữ", dù bản thân ông bà nội cả hai đều không biết chữ.
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mười một người con. Ông bà ngoại làm nông dân, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhưng mẹ tôi cũng được ông bà ngoại cho đi học đầy đủ.
Chúng tôi cũng được hưởng điều may mắn đó. Cuộc sống gia đình tôi vốn không dư giả gì, bố cũng theo nghề ông nội, quanh năm bám biển. Mẹ tôi khi sinh được ba chị em tôi cũng tần tảo chung tay cùng bố để nuôi ba đứa con lớn lên từng ngày. Trong dòng họ, chỉ duy nhất nhà tôi không có con trai, hoàn cảnh cũng khó khăn, không dư giả gì. Bố mẹ vẫn nỗ lực mỗi ngày bám biển để mang về những mớ tôm, cá, mực theo mùa mà nuôi lấy chúng tôi từng ngày.
Trong kí ức của tôi còn đọng lại là hình ảnh những chuyến biển lênh đênh, thả từng mẻ lưới với niềm hi vọng nhiều nhất trong những mẻ lưới thu về. Nhưng có những mẻ lưới kéo lên trắng tinh không con cá, con tôm nào đọng lại. Ánh mắt bố tôi đượm buồn, mẹ tôi ngẹn đắng. Ba đứa con gái, nên bố mẹ tôi chịu nhiều áp lực lắm. Quan niệm nuôi con gái báo cô, nuôi cho nhà người ta bám riết lấy bố mẹ tôi.
Khi chúng tôi lớn dần lên, chiếc thuyền nhỏ chật trội quá, nên chúng tôi được gửi về ở với ông bà nội, em út bé nhất vẫn lênh đênh theo chuyến biển cùng bố mẹ mà lớn lên. Mãi rồi bố mẹ tôi cũng cố gắng dành dụm để mua được căn nhà trong xóm nhỏ, chúng tôi được lên bờ sống, và chúng tôi được đi học.
Nhưng ngày tháng đó, bố tôi vẫn lênh đênh những chuyến biển dài ngày, còn mẹ tôi về góc chợ quê nhỏ mở quán tạp hóa để thêm thu nhập nuôi chúng tôi ăn học. Công việc của bố và mẹ thường xuyên vắng nhà, nên tôi đóng vai là người lớn để chăm sóc hai em.
Tuổi thơ ấy của tôi là những ngày nắng rong ruổi với những trò chơi mê mải, nên việc học với tôi thực sự không có ý nghĩa gì lắm. Tôi vẫn nhớ năm lớp 1, kết quả cuối năm là đứng thứ 2 từ dưới lên.
Cho đến khi mẹ tôi đi họp phụ huynh về, nhìn vẻ tất tả, bất lực của mẹ, nhìn hai đứa em nheo nhóc, tuy chỉ bé tí, nhưng tôi chợt thấy hơi chột dạ. Cái cảm giác ấy theo tôi đến tận bây giờ. Rồi từ đó, tôi chơi ít hơn, chăm học hơn, dù tôi vẫn không thích việc học. Cho đến năm lớp 2 tôi vẫn lại đứng thứ 2, nhưng là từ trên xuống. Có lẽ với tôi như vậy là tạm ổn.

Và bố mẹ tôi cùng 3 cô con gái bây giờ. Ảnh: nvcc
Rồi cuộc sống cứ thế trôi qua, chúng tôi càng lớn, gánh nặng trên vai mẹ cha càng nhiều. Nhưng chưa bao giờ bố mẹ để chúng tôi phải chịu thiệt thòi thiếu thốn. Tôi nhớ hồi ấy, mẹ đã luôn cố gắng chắt chiu để có thể sắm cho chúng tôi những bộ quần áo rất đẹp, rất hợp thời rồi, Dù sàn tuổi nhau, nhưng các em tôi ít khi phải mặc lại quần áo cũ của tôi.
Dù khó khăn, nhưng tôi vẫn được đi học thêm Tiếng Anh, môn học mới nhất thời bấy giờ. Rồi tôi thi đại học, mẹ lại sát cánh bên tôi trong những ngày ở thủ đô nóng rát trưa hè tháng 6. Nhưng tôi vẫn trượt đại học, điều đó đồng nghĩa với việc tôi lại lên thủ đô ôn thi 1 năm.
Bố mẹ chưa bao giờ ca thán câu nào về việc tốn kém cho tôi đi học. Trong những bức thư tay tận bây giờ tôi vẫn còn giữ của em gái tôi gửi lên, trong thư chỉ là những lời kể vụn vặt về cuộc sống ở nhà, về những lời động viên bố mẹ gửi gắm.
Cuối cùng tôi cũng đã đỗ và học sư phạm mầm non như một cái duyên. Năm thứ nhất tôi học sư phạm, cũng là năm đứa em thứ hai đỗ đại học. Không cần nói cũng biết bố mẹ tôi vui lắm. Niềm vui giản dị nhưng cũng là động lực to lớn để bố mẹ tôi cố gắng mỗi ngày.
Tôi đã là sinh viên, mỗi tháng vẫn nhận tiền bố mẹ gửi để sinh hoạt và học tập, dẫu sao sư phạm cũng là ngành học đỡ vất vả vì không mất học phí. Còn em gái tôi đỗ hai trường cùng lúc, một trường là Đại học Ngữ văn, ngành ngoài sư phạm, mà lại phải học ở tận thủ đô. Còn một trường là cao đẳng sư phạm, nơi tôi đang theo học.
Chị em chúng tôi băn khoăn lắm, vì ước mơ của em gái là được theo học đại học. Nhưng nếu lựa chọn học đại học gánh nặng lại thêm lần nữa đè tiếp lên vai bố mẹ. Vậy mà bố mẹ tôi chẳng cần suy nghĩ, chỉ luôn cổ vũ chị em chúng tôi, tôn trọng nguyện vọng của em gái tôi.
Tôi vẫn nhớ như in hình bóng bố tôi khi em gái đưa ra quyết định chọn học đại học thay vì học sư phạm được miễn học phí. Bóng lưng bố quay lại phía tôi, tôi biết ánh mắt bố nhìn về xa xăm nhưng không phải vì buồn. Tôi hỏi bố cùng lúc nuôi hai đứa ăn học, còn thêm em út cuối cấp 2, bố mẹ có lo được không? Bố chỉ trả lời câu nhẹ bẫng: "Đến đâu lo đến đó con ạ!" Chỉ câu nói ấy thôi đã khiến tôi nghẹn lại nơi cổ. Cái thương dâng lên khiến đến tận bây giờ nghĩ lại tôi vần còn nghèn nghẹn nơi tim. Kể cả khi đang viết những dòng này, tôi vẫn bất giác rơm rớm nước mắt.
Rồi năm tháng cứ thế dần trôi qua, bố mẹ vẫn sớm hôm, đêm khuya tần tảo những chuyến biển, những buổi chợ muộn để nuôi chúng tôi trưởng thành, đi làm. Giờ chúng tôi đã tạm ổn công việc, gia đình riêng. Mỗi đứa một lo toan mới, còn em gái út vẫn bầu bạn bên bố mẹ.
Chúng tôi vẫn tự trách mình chưa làm được gì để báo hiếu, đáp đên công ơn bố mẹ chắt chiu, dành dụm nuôi chúng tôi ăn học bao năm qua. Chúng tôi vẫn luôn tự hào dù gia đình có khó khăn, không dư dả về của cải, nhưng thứ chúng tôi có nhiều nhất chính là tình yêu thương bố mẹ dành cho chúng tôi. Là sự hi sinh không ngừng nghỉ của bố mẹ dành cho 3 đứa con gái – vốn dĩ thiệt thòi hơn gia đình có con trai.
Điều mà cuộc đời này cho chúng tôi giá trị nhất chính là bài học từ tấm lòng và nhân cách của bố mẹ. Chúng tôi nhìn vào tình yêu thương của bố mẹ cho gia đình để trưởng thành, để khôn lớn, Nên có lẽ chúng tôi may mắn hơn nhiều lắm khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình – nơi bố và mẹ chính là người "thầy" người dạy dỗ chúng tôi ngay từ tấm bé bằng chính tình yêu thương và sự hi sinh của mình cho con cái.
Trong ngôi nhà của chúng tôi, mọi người cư xử nhẹ nhàng, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Đó chính là bài học không giá trị nào có thể đo đếm được. Vậy nên, gia đình học tập theo tôi nghĩ, nên là một gia đình mà nơi đó bố mẹ chính là tấm gương mẫu mực để con cái noi theo trong mọi hành động, lối sống và thái độ hàng ngày.
Tôi không nói lời biết ơn, hay cảm ơn bố mẹ, tôi chỉ muốn nói điều mà bao nhiêu năm qua chị em chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng: Chúng con mãi yêu và tự hào về bố mẹ của chúng con - những tấm gương tuyệt vời để chúng con noi theo!