Tri ân không chỉ bằng một ngày trong năm

Những năm gần đây, công tác giáo dục truyền thống đã được đổi mới cả về nội dung và hình thức theo hướng gần gũi, sáng tạo, trong đó công nghệ là 'chìa khóa' tạo nên sức lôi cuốn, trải nghiệm mới mẻ. Điều này giúp người trẻ hiểu và cùng hành động để sự tri ân, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc không chỉ dừng ở một ngày.

 Chương trình thắp nến tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM

Chương trình thắp nến tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM

Một minh chứng là dự án số hóa chân dung hơn 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ những bức ký họa bằng giấy đầy cảm xúc của họa sĩ Đặng Ái Việt, các bạn trẻ tại TPHCM đã tạo thành website "Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng".

Đây không chỉ là một hoạt động giáo dục truyền thống mà còn là minh chứng cho sự viết tiếp câu chuyện hòa bình của thế hệ trẻ hôm nay.

Chia sẻ tại buổi ra mắt website vào tháng 4 vừa qua, họa sĩ Đặng Ái Việt bày tỏ: "Xin cảm ơn thế hệ các bạn đã "chia lửa" với tôi, để công việc này được tiếp tục, đặc biệt là được lan tỏa mãi về sau. Tôi luôn nghĩ nếu lưu giữ bằng những tờ giấy vẽ như thế này thì e rằng không thể, nên gặp được các bạn trẻ dùng kỹ thuật số để lưu lại cho ngàn đời sau thì tôi vỡ òa mừng vui".

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là một trong những đơn vị đầu tiên ở TPHCM triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác trưng bày và giáo dục.

Vào năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 15/3/2020), Bảo tàng đã giới thiệu hệ thống trình chiếu 3D kết hợp hologram để tái hiện hình ảnh các nữ anh hùng như Nguyễn Thị Định, Võ Thị Sáu...

Theo bà Phạm Thị Diệu, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: "Ứng dụng công nghệ thực tế ảo như "cánh tay nối dài" cho bảo tàng trong công tác giới thiệu và giáo dục lịch sử.

Người xem có thể quan sát chi tiết hiện vật ở mọi góc độ, cảm nhận được không gian và bối cảnh lịch sử, thay vì chỉ nhìn qua tủ kính. Tiếp cận rộng rãi hơn nhờ các tour tham quan ảo 3600 và ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, công chúng dù ở vùng sâu, vùng xa vẫn có cơ hội tiếp cận bảo tàng và di sản.

Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ với các bạn trẻ về hành trình rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng

Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ với các bạn trẻ về hành trình rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng

Đặc biệt, hình thức này còn khơi gợi được cảm xúc, truyền cảm hứng cho người tham gia. Khi lịch sử được tái hiện bằng hình ảnh động, âm thanh và tương tác, kiến thức không còn khô cứng mà trở thành trải nghiệm đáng nhớ".

Nhiều trường học hiện nay cũng đổi mới nội dung, hình thức thực hiện công tác giáo dục truyền thống cho học sinh. Thay vì chỉ ngồi nghe thầy cô giảng, học sinh được tham quan di tích, gặp gỡ nhân chứng lịch sử…

Tại trường THPT Hùng Vương (phường Chợ Lớn, TPHCM), hằng năm, nhà trường tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương theo cách rất riêng. Ở đó, không khí buổi lễ diễn ra trang trong khi một giáo viên lớn tuổi trong trường đọc bài văn tế Đức Quốc Tổ Hùng Vương trước bàn thờ Quốc Tổ.

Toàn trường cùng nhau thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa. Các tiết mục văn nghệ do chính học sinh dàn dựng với những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước, về lòng biết ơn. Ngay trên sân trường, các em học sinh được "chạm" vào lịch sử, ý thức được trách nhiệm của mình trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

Các em học sinh quan sát hiện vật qua hệ thống tái hiện hình ảnh 3D hologram tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Các em học sinh quan sát hiện vật qua hệ thống tái hiện hình ảnh 3D hologram tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Theo cô Nguyễn Thị Diệp Lài, giáo viên môn Lịch sử tại trường THPT Nguyễn An Ninh (TPHCM), công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường đúng là ứng dụng tuyệt vời cho việc truyền tải những bài giảng về lịch sử.

Tuy nhiên, hiện chỉ có một số trường tại TPHCM bước đầu tự trang bị công nghệ này bằng kinh phí riêng. Cô Diệp Lài hy vọng thời gian tới, phương pháp này sẽ được triển khai rộng rãi trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Không chỉ dừng trong những giờ học, chủ đề về tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm của người trẻ trong việc viết tiếp câu chuyện hòa bình còn được đưa vào đề thi của nhiều kỳ thi.

Tiêu biểu là đề thi môn Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã gợi mở bằng hình ảnh "Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc". Đây như lời nhắc nhở thế hệ trẻ trong bối cảnh mới, mỗi cá nhân cần mở rộng tầm nhìn, có hành động thiết thực, thể hiện trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước.

Các em học sinh “di chuyển” trong không gian Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ qua ứng dụng tour tham quan ảo 3D/360°

Các em học sinh “di chuyển” trong không gian Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ qua ứng dụng tour tham quan ảo 3D/360°

Hay như hội thi "Viết thư pháp chữ Việt những câu trích, đoạn văn, lời nói của Bác Hồ về miền Nam" được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, học sinh và nhiều cá nhân yêu thích nghệ thuật thư pháp trên địa bàn thành phố Thủ Đức (cũ), TPHCM.

Những nét chữ bay lượn không chỉ thể hiện sự khéo léo, mà còn truyền đi thông điệp về tình yêu quê hương đất nước, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Cần sự đổi mới hơn nữa trong phương pháp giáo dục để việc giáo dục truyền thống không trở nên khô cứng mà gần gũi thông qua trải nghiệm, nghệ thuật và công nghệ.

Minh Tuấn - Phạm Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tri-an-khong-chi-bang-mot-ngay-trong-nam-20250725152539076.htm