Tri ân người có công với nước
Dân tộc ta có truyền thống đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'. Đối với những người đã hy sinh vì đất nước, nhân dân ta luôn có lòng tưởng nhớ, tri ân và có những hành động cụ thể, thiết thực. Chính vì thế, Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7 luôn là ngày lễ lớn của dân tộc ta để tri ân, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì nền độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.
76 năm trôi qua, kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước.
Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự, thể hiện lòng biết ơn đối với người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả các phong trào với nhiều hoạt động cụ thể.
Dịp 27/7 năm nay, Bắc Giang đã trích ngân sách hơn 23,4 tỷ đồng thăm, tặng quà hơn 33,2 nghìn người có công gồm: Gia đình liệt sĩ; thương binh, bệnh binh; Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa… Ngoài ra, tỉnh cũng dành kinh phí tặng quà 6 đơn vị nuôi dưỡng, điều trị tập trung (trong và ngoài tỉnh) có thương binh, bệnh binh người Bắc Giang.
Ngoài Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang (trực thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), Bắc Giang còn có Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh (phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang) được tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện tốt nhất để chăm sóc, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ. Trung bình hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các đợt điều dưỡng cho hàng nghìn thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Tùy theo điều kiện, sức khỏe và tiêu chuẩn, các thương binh, bệnh binh được điều dưỡng luân phiên tại Trung tâm; có người được điều dưỡng tại khu nghỉ mát; được chăm sóc, phục hồi sức khỏe… Tất cả đều vì một nghĩa tri ân.
Những ngày này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đều tổ chức các đoàn tới thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công. Cùng đó, huy động các nguồn lực xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ… Tiêu biểu như Nghĩa trang liệt sĩ xã An Thượng (Yên thế) vừa được khánh thành với sự ủng hộ hơn 20 tỷ đồng của một chủ doanh nghiệp, đồng thời là người con quê hương, là chính thương binh tri ân với đồng đội mình.
Tri ân những người có công với nước, đó vừa là tình cảm thiêng liêng, là trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Với những người đã không tiếc máu xương mình cho sự bình yên của đất nước, những gia đình có chồng, cha, ông, người thân ra đi từ đó không về, thì tri ân, biết ơn biết mấy cho vừa.
Bảo Châu