Tri ân tài năng, đức độ, sự cống hiến của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi
Ngày 1/3 (ngày 10 tháng 2 âm lịch), tại Di tích cấp quốc gia đền Long Động, xã Nam Tân, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 677 năm ngày mất của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1346 – 2023) và khai hội truyền thống đền Long Động năm 2023.
Trong diễn văn tưởng niệm, ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách nhấn mạnh, Đền Long Động là di tích thờ 3 danh nhân Khoa bảng hàng đầu đất Việt. Đó là Thủ khoa Minh kinh bác học Mạc Hiển Tích, đỗ đầu tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 (năm Bính Dần 1086) tương đương Trạng nguyên; Tiến sĩ Mạc Kiến Quan (em ruột của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) thi đỗ Khoa thủ tuyển (năm Kỷ Ngọ 1089) làm quan đến chức Thượng thư bộ Công và Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (đời thứ 5 của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) thi đỗ Trạng nguyên năm Giáp Thìn 1304).
Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1272, mất năm 1346. Ông nổi tiếng là người vô cùng mẫn tiệp, thông tuệ, có tài kinh bang tế thế, làm quan đến chức Đại Liêu Tả bộc xạ (Tể tướng) đứng đầu triều, trải qua ba đời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Tương truyền, ông từng hai lần đi sứ phương Bắc, với sự hiểu biết uyên bác, tài hùng biện và khéo léo ứng xử của một nhà ngoại giao tài ba, ông được vua quan nhà Nguyên vô cùng nể phục và phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên.
Theo sử sách ghi lại, năm 1527, cụ Mạc Đăng Dung (đời thứ 7 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi) lập nên nghiệp Đế. Sau khi lên ngôi, Thái tổ Mạc Đăng Dung sắc chỉ xây dựng điện Sùng Đức làm nơi thờ cúng tổ tiên, ngay chính trên nền nhà của cụ Mạc Đĩnh Chi và truy tôn đế hiệu cho tổ tiên.
Tại Nam Sách hiện còn lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của Mạc Đĩnh Chi qua nhiều di tích như: Đền thờ Long Động, Trạng nguyên Cổ đường - nơi ông về dạy học, khu lăng mộ và Điện Sùng Đức. Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, di tích về ông tuy không còn được nguyên vẹn nhưng tài năng, đức độ, sự cống hiến của ông đối với giang sơn, đất nước còn mãi lưu truyền như lời vua Trần Minh Tông đã ca ngợi: "Ông là một bậc quý nhân cao sang, một đóa sen vàng luôn tỏa ngát trong tòa giếng ngọc - non sông Đại Việt". Ông mất ngày 10/2 năm Bính Tuất 1346 tại quê nhà. Với tài năng, đức độ và công lao to lớn của ông, Vua Trần đã phong cho ông tước Hầu và xây dựng Đền thờ ông để muôn đời thờ phụng.
Di tích đền Long Động còn thờ nữ anh hùng liệt sỹ Mạc Thị Bưởi. Trong kháng chiến chống Pháp, nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi tham gia cách mạng, làm giao thông liên lạc, bị giặc bắt và hy sinh ngày 23/4/1951.
Với những giá trị di tích lịch sử, năm 1995, di tích đền Long Động đã được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Lễ hội đền Long Động từ ngày 9 - 11 tháng 2 âm lịch hàng năm là dịp để thế hiện tấm lòng tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của vị Trạng nguyên tài năng kiệt xuất của Lưỡng quốc Trạng nguyên và các bậc danh nhân khoa bảng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương cùng con cháu Hội đồng Mạc tộc ở Hải Dương và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về tham dự. Đây cũng là dịp để thể hiện truyền thống khoa bảng, hiếu học của người dân địa phương.
Năm 2023, huyện Nam Sách quyết định nâng cấp lễ hội là quy mô cấp huyện.
Dịp này Ban Quản lý Quỹ Khuyến học Mạc Đĩnh Chi tặng học bổng cho 15 học sinh vượt khó học giỏi của các trường Trung học Phổ thông Mạc Đĩnh Chi, Trung học Cơ sở Mạc Thị Bưởi.