Trí thức hóa nông dân
Ai cũng nói làm nghề nông là nhọc nhằn, nhưng thật tuyệt vời khi ngày càng có nhiều bạn trẻ dám bỏ sự phồn hoa đô thị, từ chối những cơ hội việc làm ở thành phố để quay về với ruộng đồng. Những 'nông dân tay ngang', 'nông dân trí thức' như thế xuất hiện thường xuyên trên các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa.
Gần nhất là gương nông dân Đỗ Đồng Tâm ở xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc) - ông chủ của những vườn nhãn trái vụ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Tâm từng là kỹ sư xây dựng làm việc cho nhiều công ty với mức thu nhập tốt, nhưng anh vẫn từ bỏ để về quê làm nông nghiệp. Dĩ nhiên khi quyết định rẽ ngang anh không hề nghĩ rằng mình sẽ thành công như hôm nay. Về với quê hương, gắn bó với nông nghiệp với anh là niềm đam mê, một tình yêu thiết tha với ruộng đồng. Hay như vợ chồng kỹ sư Dương Thị Bàng ở xã Đồng Lợi (Triệu Sơn) cũng thế, sử dụng chính kiến thức học được để phục vụ nông nghiệp tại quê hương, từ chối những công việc ở thành phố và anh chị đã rất thành công với mô hình du lịch canh nông thu hút nhiều du khách.
Còn có những thanh niên như Lê Minh Cương ở TP Thanh Hóa chẳng hạn, sau khi du học ở nước ngoài trở về đã chọn con đường canh nông bằng việc xây dựng trang trại cung cấp nông sản sạch, khép kín từ trồng trọt đến sản xuất với thương hiệu tương ớt Spico được nhiều khách hàng tin dùng.
Những nông dân trí thức xuất hiện ngày càng nhiều ở những cánh đồng xứ Thanh đang tạo ra cảm hứng cho người làm nông nghiệp. Nhiều nông dân từng bỏ đất hoang giờ lại chính họ quay lại với đồng đất hoặc dùng chính diện tích đất bỏ hoang của mình để góp với những ông chủ trẻ làm nông nghiệp lớn.
Không chỉ truyền cảm hứng sản xuất, những “nông dân trí thức” còn giúp đỡ, hỗ trợ nhiều nông hộ kiến thức mới, tư duy sản xuất lớn để cùng nhau tạo ra những cánh đồng sản xuất lớn, đồng bộ... Một cuộc cách mạng cho đồng đất ở nhiều địa phương đang được dẫn dắt bởi những thanh niên dám bỏ phố về làng.
Ngày 11/5/2024, Chính phủ đã có Nghị quyết số 69/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh... thúc đẩy quá trình "trí thức hóa nông dân”.
Việc ban hành nghị quyết là sự cần thiết để nâng cao đời sống nông nghiệp, nông thôn, nông dân và sự trở về của những trí thức mặc lên mình chiếc áo nông dân chính là hạt nhân dẫn dắt, lan tỏa tinh thần nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân. Nhiều người từng đặt câu hỏi lý do của việc người trẻ quay về với ruộng đồng thực sự là gì. Đây có phải là xu hướng của người trẻ hay chỉ là sự thay đổi nhất thời? Và liệu có cuộc tháo chạy khỏi ruộng đồng khi những “nông dân trí thức” này gặp thất bại? Thay cho việc hoài nghi hãy ủng hộ, chào đón sự trở về của người trẻ, những “nông dân trí thức”. Nhất là các cơ quan chức năng cần phải có những chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút những người trẻ gắn bó với nông nghiệp, có như thế mới đẩy nhanh và thực chất hơn mục tiêu "trí thức hóa nông dân”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tri-thuc-hoa-nong-dan-217524.htm