Trí tuệ nhân tạo (AI) khiến các gia đình phải suy nghĩ lại việc học đại học
Công nghệ phát triển nhanh chóng khiến cho các gia đình phải suy nghĩ lại về giá trị của việc học đại học.
>

Các gia đình lo ngại về giá trị của đại học trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi. Nguồn ảnh: Adobe Stock
Trong một bài viết được đăng trên Education Next vào đầu năm 2024, các lập luận đã chỉ ra rằng, mặc dù quan niệm thông thường cho rằng các học sinh, sinh viên đều quan tâm và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều học sinh trung học và sinh viên đại học vẫn cảm thấy vô cùng lo lắng về tác động của nó đối với nghề nghiệp tương lai của họ và những kiến thức họ nên học ngay lúc này.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy các bậc phụ huynh cũng có những mối quan tâm lớn đến triển vọng nghề nghiệp của con cái, những gì con họ được học ở trường và liệu có nên cho con học đại học hay không.
Mạng lưới Hỗ trợ Đại học (College Guidance Network) là đơn vị cung cấp hướng dẫn chuyên môn bằng AI cho phụ huynh về các trường đại học và hướng nghiệp qua các chương trình phát sóng trực tiếp. Đơn vị đã tiến hành khảo sát với 602 phụ huynh của học sinh trung học tại Hoa Kỳ - là những người đại diện cho các gia đình trên toàn quốc dựa trên thu nhập hộ gia đình, giới tính học sinh, khu vực và loại trường.
Trong thời đại tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học vào đại học đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại là 70% vào năm 2016 xuống còn 62% hiện nay, trí tuệ nhân tạo dường như đang làm gia tăng mối lo lắng về giá trị của đại học.
Theo khảo sát này, ⅔ phụ huynh cho biết AI đang tác động đến quan điểm của họ về giá trị của đại học. 37% phụ huynh cho biết hiện họ đang xem xét kỹ lưỡng kết quả của chương trình kết nối việc làm của trường đại học; 36% cho biết họ đang xem xét chương trình giảng dạy “kỹ năng AI” của trường, trong khi 35% trả lời rằng “việc tập trung vào kỹ năng mềm” là quan trọng đối với họ.
Điều này phản ánh một thực tế được nhận định bởi ban lãnh đạo các trường đại học rằng: Phụ huynh và sinh viên yêu cầu thấy được sự khác biệt giữa những gì họ nhận được từ trường đại học và những gì họ có thể “học được từ AI”.
Trên thực tế, ít nhất các phụ huynh cũng nhận thức được việc cần chuẩn bị các phương án dự phòng cho đại học. Điều này được thể hiện rõ ràng với 51% cho biết, nếu giá trị của bốn năm học đại học bị xói mòn, thì cao đẳng nghề và trường dạy nghề kỹ thuật sẽ là lựa chọn phù hợp, và 20% cho rằng nên chọn học nghề. Trong đó, tỷ lệ phụ huynh của con em học trường tư thục và trường đặc quyền có khả năng quan tâm đến học nghề cao hơn 6%.
Tuy vậy, mối lo ngại của các bậc phụ huynh cũng không hề giảm bớt.
Cuộc khảo sát còn cho thấy 62% phụ huynh đã thảo luận về chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và tương lai nghề nghiệp” trong hai tuần gần đây, với ⅓ trong số đó cho biết họ thảo luận về chủ đề này hàng tuần.
Khi được hỏi đưa ra 3 từ họ sẽ dùng để “miêu tả cảm nhận của họ về tương lai với sự hỗ trợ của AI mà con họ ở lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ bước vào”, những từ được sử dụng phổ biến nhất là “lo lắng”, “thận trọng”, “không chắc chắn”. Điều này củng cố cho một phát hiện bổ sung rằng 53% phụ huynh phần nào hoặc rất lo lắng AI sẽ thu hẹp cánh cửa nghề nghiệp của con em họ.
Điều thú vị là 30% bày tỏ quan điểm lạc quan về tác động của AI lên thị trường việc làm. Phụ huynh của những học sinh theo học trường tư thục hoặc trường đặc quyền có xu hướng đồng tình với quan điểm này cao hơn 5%. Điều này được phản ánh qua những từ ngữ tích cực hơn xuất hiện trong danh sách mà các bậc phụ huynh dùng để mô tả một tương lai với AI như “lạc quan”, “hy vọng”, “phấn khích”, “thú vị” và “đầy thử thách”, dù được nhắc đến ít hơn so với những từ mang sắc thái lo âu.
Cuối cùng, 31% phụ huynh cho biết con cái ở lứa tuổi thanh thiếu niên của họ sử dụng các công cụ tương tự ChatGPT hàng ngày. Trong số những người có con học tư thục hoặc trường đặc quyền, con số này tăng lên 37%.
Nghịch lý này dường như là cốt lõi của mối lo ngại: Học sinh, sinh viên đã, đang và sẽ sử dụng AI; phụ huynh cũng nhận thức được điều đó; nhưng tất cả đều lo lắng về tác động của AI.
Chưa có suy đoán chính xác nào về việc liệu điều này sẽ tác động như thế nào đến tỷ lệ học sinh vào đại học, nhưng nỗi lo lắng chắn chắn đang đè nặng lên tâm trí của các bậc phụ huynh - những người phải thường xuyên trả học phí đại học.
(Nguồn: Education Next)
Nhiều trường đại học nằm trong vành đai 1, sinh viên nói gì trước việc cấm xe máy xăng?
Nữ Du kích miền Nam ‘vượt nắng thắng mưa’ cùng A80
Tốt nghiệp rồi, ở lại hay về?