Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã: Bước chuyển lớn của nền hành chính phục vụ
Sau nửa tháng hoạt động, trung tâm phục vụ hành chính công (PVHCC) cấp xã tại Thanh Hóa đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, lấy hiệu quả phục vụ làm thước đo, đánh dấu bước chuyển lớn từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hoằng Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
“Từ ngày đi vào vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chúng tôi thường xuyên được nghe tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về nơi đặt trụ sở trung tâm PVHCC xã và việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng. Khi đến làm thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch, tôi được hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến rất nhanh. Tôi thấy chính quyền mới có nhiều thay đổi tích cực, người dân được phục vụ tận tình, cán bộ, công chức niềm nở, dễ gần hơn”. Đó là chia sẻ của anh Lê Văn Đăng, công dân thôn Bản Thành, xã Hoằng Sơn khi đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm PVHCC xã.
Đổi mới lề lối, tác phong làm việc, cởi mở và thân thiện, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân... là những ưu tiên hàng đầu của Trung tâm PVHCC xã Hoằng Sơn kể từ khi đi vào hoạt động.
Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn Lê Trọng Trường cho biết: “Để chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC và bảo đảm các dịch vụ công vận hành thông suốt, hệ thống mạng trực tuyến, mạng LAN được xã đầu tư đồng bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức Trung tâm PVHCC xã được tập huấn các nội dung mới, quy trình giải quyết TTHC, đặc biệt là quy định về giải quyết TTHC phi địa giới hành chính theo Nghị định số 118/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Với dân số khoảng 27.500 người, mô hình vận hành lại mới nên trong 10 ngày đầu thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, xã đã bố trí thêm lực lượng đoàn viên, công an đón tiếp, hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong quá trình thực hiện, nhân viên VNPT Thanh Hóa cũng thường trực để xử lý các vấn đề liên quan đến hạ tầng mạng, bảo đảm các TTHC không bị gián đoạn khi thực hiện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho xây dựng trụ sở Trung tâm PVHCC mới để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”.
Không chỉ thay đổi về địa giới, lần sáp nhập này mở ra một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu xuyên suốt là “gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ”. Các khâu trung gian được rút gọn, cấp cơ sở được trao quyền mạnh hơn đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho mỗi người dân. Với tâm thế chủ động, Trung tâm PVHCC phường Sầm Sơn đã chuẩn bị tốt các điều kiện cho chặng đường mới. Để trung tâm hoạt động thông suốt ngay từ những ngày đầu, phường đã bố trí 15 công chức phụ trách các lĩnh vực để tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, phường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đường truyền internet, các phần mềm chuyên ngành, bảo đảm mọi hoạt động của trung tâm được kết nối liên thông, các TTHC được giải quyết nhanh, thuận lợi, hiệu quả.
Thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ. Bởi thế, khi đi vào vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Trung tâm PVHCC phường Sầm Sơn xác định phải thực sự đổi mới vì dân. Để tạo sự gần gũi giữa chính quyền với người dân, cán bộ, công chức Trung tâm PVHCC phường Sầm Sơn luôn nhiệt tình hỗ trợ người dân trong giải quyết TTHC. Các dịch vụ công thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân được thực hiện kịp thời, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Trung tâm PVHCC cấp xã có vai trò quan trọng trong thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là bộ phận gần dân, sát dân nhất, trực tiếp tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết TTHC cho người dân. Do vậy, xã Cẩm Vân đã bố trí nhân lực ở nhiều địa điểm để phục vụ người dân được tốt nhất. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiệp cho biết: “Cẩm Vân là xã miền núi có địa bàn rộng, bị chia cắt bởi đồi núi nên giao thông không được thuận lợi. Việc đi lại của người dân từ các xã cũ đến Trung tâm PVHCC xã (đặt tại xã Cẩm Tâm cũ) khá xa, khoảng 20km. Để phục vụ tốt nhất người dân trong giải quyết TTHC ở giai đoạn đầu mới sáp nhập, ngoài Trung tâm PVHCC xã, chúng tôi bố trí lực lượng công an ở 4 xã cũ để hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia thông qua VNeID... nhằm giảm áp lực, hạn chế tắc nghẽn tại Trung tâm PVHCC xã”.
Cải cách hành chính là đột phá chiến lược trong thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Để bảo đảm hệ thống dịch vụ công vận hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, Trung tâm PVHCC tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức 166 xã, phường mới; xây dựng tài liệu, video mẫu hướng dẫn xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Đồng thời, trung tâm cũng phối hợp hỗ trợ các địa phương bố trí trụ sở, nhận diện thương hiệu, trang bị thiết bị cần thiết và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để các trung tâm PVHCC xã hoạt động thông suốt, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Không để cải cách dừng lại trên nghị quyết, không để bộ máy chỉ thay đổi về hình thức, mà phải vận hành thực sự hiệu quả, 166 xã, phường của tỉnh đã chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC. Điều này cho thấy sự sẵn sàng không chỉ về mặt thể chế, mà còn cả trong tư duy và hành động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, phường với mục tiêu xuyên suốt là vì Nhân dân phục vụ.