Trí tuệ nhân tạo chỉ trợ giúp chứ không thể thay thế con người
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hiện giúp giảm nhiều giờ làm việc tại các cơ quan, đơn vị, giúp xử lý dữ liệu tốt hơn…Tuy nhiên, AI chỉ mang tính trợ giúp, chứ không thay thế hoàn toàn vai trò của con người.
Sáng nay (22/4), sự kiện “Tọa đàm và Triển lãm sách” do Trung tâm Dữ liệu và Thông tin Khoa học phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (1975–2025).

Các đại biểu tham dự sự kiện.
Sự kiện gồm hai nội dung chính: Tọa đàm với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo – Cơ hội và Thách thức” với sự tham gia của các chuyên gia như PGS.TS. Nguyễn Phi Lê và TS. Phan Kế Sơn, mang đến góc nhìn sâu sắc về tương lai của AI; Triển lãm sách giới thiệu hàng trăm đầu sách, tạp chí chuyên ngành từ các đơn vị uy tín như Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tạp chí Pi, Igroup Việt Nam...
ThS. Chuyên viên cao cấp Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin khoa học cho biết, tọa đàm với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo – Cơ hội và Thách thức" – một chủ đề đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một phần hiện hữu trong mọi lĩnh vực đời sống.

ThS. Chuyên viên cao cấp Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin khoa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Phi Lê (Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội), trí tuệ nhân tạo có bước tiến vượt bậc, ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành nghề, khía cạnh trong cuộc sống. Đặc biệt, sự ra đời của AI, ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ lớn càng mở rộng sự phổ cập của trí tuệ nhân tạo tới mọi tầng lớp nhân dân.
Tỉ lệ ứng dụng AI tăng gấp đôi trong năm 2024, với 72% công ty sử dụng AI, trong đó 65% dùng AI tạo sinh (Generative AI). AI tạo sinh được đánh giá giúp tăng hiệu quả chăm sóc khách hàng, xử lý dữ liệu tốt hơn, giảm giờ làm trung bình 5h/tuần. Các công cụ nổi bật đang được sử dụng phổ biến hiện nay là ChatGPT, Google NotebookLM, Gamma, Gamma.app...

PGS.TS Nguyễn Phi Lê (Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội).
AI thực sự bùng nổ khi mọi người nhìn thấy được tiềm năng ứng dụng thực tế đối với mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp trong xã hội. Việc ứng dụng AI và AI tạo sinh (Generative AI) hiện giúp giảm nhiều giờ làm việc tại các cơ quan, đơn vị; giúp xử lý dữ liệu tốt hơn…Tuy nhiên, AI chỉ mang tính trợ giúp, chứ không thay thế hoàn toàn vai trò của con người.
Để nghiên cứu và phát triển AI, bà cũng cho rằng cần phải có sự đầu tư, cụ thể là đầu tư cho phát triển con người, hạ tầng tính toán, và thu thập các bộ dữ liệu. "AI là một cuộc chơi tốn kém, và nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ thì không thể phát triển được ngành này", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê chia sẻ.
TS. Phan Kế Sơn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết AI đang là xu thế toàn cầu, thay đổi toàn diện cách con người sống và làm việc. Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030 (Quyết định 127/QĐ-TTg). Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có thế mạnh lớn trong nghiên cứu, dữ liệu chuyên ngành, và đã xây dựng các trung tâm AI tại nhiều đơn vị như Viện Công nghệ thông tin, Trung tâm Công nghệ cao, Đại học USTH...
"AI là công cụ mạnh mẽ hỗ trợ học tập và làm việc, nhưng con người vẫ là trung tâm sáng tạo. Do vậy mỗi người phải thích ứng linh hoạt, học hỏi không ngừng để tận dụng cơ hội từ AI", TS Phan Kế Sơn nói.
Tại sự kiện, Thư viện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Namn dành tặng một số cuốn sách quý như món quà tri thức cho sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ, tiếp thêm động lực trên hành trình khám phá khoa học.