Trí tuệ nhân tạo có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Malaysia
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng mở ra các cơ hội tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực, trong đó các AI như ChatGPT mang lại nhiều ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển trong tương lai của Malaysia.
Ngân sách năm 2023 của Malaysia đã công bố khoản tiền trị giá 1 tỷ RM (225,37 triệu USD) nhằm giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ trong quá trình tự động hóa các quy trình và số hóa doanh nghiệp, từ đó dần dần nhân rộng mô hình này tới tất cả các khu vực trên đất nước.
Bên cạnh đó AI có thể giúp người dân, doanh nghiệp ở Malaysia tăng khả năng tiếp cận về giáo dục, tài chính, cũng như giúp doanh nghiệp có thể đạt được các khoản vay quan trọng. Từ đó, nền kinh tế Malaysia có thể hướng đến một nền kinh tế có thể giải quyết được sự bất bình đẳng thông qua phát triển kỹ thuật số.
Tập đoàn Digital Nasional Bhd (DNB) thuộc Bộ Tài chính Malayisa nhấn mạnh rằng mạng 5G đã được phủ sóng ở gần 50% khu vực đông dân cư và trong thời gian tới, chính phủ vẫn cần phải giải quyết sự mất cân bằng giữa khu vực trung tâm như thủ đô Kuala Lumpur với các vùng nông thôn.
Chính phủ Malaysia tin rằng kế hoạch “Malaysia Madani” sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, đặt trọng tâm vào việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong bối cảnh Malaysia mong muốn đạt được mục tiêu này thì AI có thể giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và xây dựng một xã hội thịnh vượng chung. AI cung cấp một nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Malaysia, từ các công ty đa quốc gia cho đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
AI cung cấp một lộ trình để giảm bớt các công việc đơn giản, nâng cao hiệu quả và tạo điều kiện nâng cao năng lực cho những người lao động thông qua các công cụ do AI điều khiển.
Lợi thế về AI đã được nhiều ngành và nhiều quốc gia ứng dụng như việc phân tích kinh doanh theo thời gian thực, giảm thiểu thời gian phân tích cho nhân viên, qua đó góp phần tăng doanh số bán hàng và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Bên cạnh đó, AI còn có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ các ngân hàng kỹ thuật số ở Malaysia, giúp giảm chi phí vận hành và đáp ứng được nhu cầu công việc ngày càng cao của các doanh nghiệp.
Ngành nông nghiệp của Malaysia cũng được hưởng lợi từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Theo ngân sách sửa đổi năm 2023, khoản vay trị giá 20 tỷ RM sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. AI sẽ mang đến cơ hội cho các hoanh nghiệp nhằm xác định chính xác các thông tin cần thiết cho sản xuất.
Đối với lĩnh vực năng lượng, AI có thể giúp tăng năng suất bằng cách cung cấp các tùy chọn mang tính tối ưu hơn, cải thiện hoạt động thông qua việc cung cấp các gợi ý, số liệu cho người vận hành cũng như cung cấp các hướng dẫn liên quan, dự đoán các lỗi có thể xảy ra đối với các thiết bị.
Để tận dụng tối đa tiềm năng từ AI, các công ty cần đổi mới, xây dựng và thực hiện các giải pháp, chuyển đổi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc đổi mới hiện giờ gặp phải nhiều thách thức khi mà chỉ 30% doanh nghiệp cho rằng họ hiểu về AI, cũng như sự quan ngại của người dân về những ảnh hưởng của AI.
Việc tăng cường ứng dụng AI vào trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, doanh nghiệp và khách hàng có thể thúc đẩy sự phát bình đẳng trong việc tiếp cận khoa học công nghệ ở Malaysia, trong mọi lĩnh vực từ truyền thông, tài chính, kinh doanh cho đến lĩnh vực nông nghiệp.
AI được kỳ vọng sẽ mang đến sự chuyển đổi kinh tế mang tính cách mạng giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.
Tuy nhiên, giá trị chuyển đổi của AI đối với bất kỳ quốc gia hoặc nền kinh tế nào chỉ có thể được thực hiện khi thị trường bắt đầu hiểu và tin tưởng vào công nghệ. AI đưa ra những tiết lộ và giải pháp mới với dữ liệu của chính phủ mà các phương pháp và phân tích truyền thống có thể không đạt được.
Sau đại dịch COVID-19, với tư cách là một trong những chuỗi cung ứng sản xuất chính trên thế giới, Malaysia đang tụt hậu so với các quốc gia khác về năng suất lao động, nghiên cứu và phát triển (R&D) và lực lượng lao động có trình độ đại học.
Tỷ lệ áp dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) của Malaysia diễn ra chậm chạp, với chỉ khoảng 15-20% số doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật số vào công việc.
Trong khi đó, công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co nhận thấy rằng 50% công việc ở Malaysia là những hành động lặp đi lặp lại có thể được tự động hóa.
Chính phủ Malaysia đã đưa ra nhiều chính sách để phát triển kỹ thuật số, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI như Lộ trình Trí tuệ Nhân tạo Malaysia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEB).
Chính phủ Malaysia kỳ vọng AI sẽ tăng gấp đôi tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số và cải thiện năng suất lao động, đồng thời thu hút thêm các khoản đầu tư từ nước ngoài.
Các sáng kiến khác như MyDigital cung cấp các nền tảng số cho các tầng lớp xã hội khác nhau ở Malaysia và chính phủ kỳ vọng AI sẽ từng bước thay đổi suy nghĩ của người dân đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ mới./.