Trí tuệ nhân tạo: OpenAI đạt 400 triệu người dùng bất chấp sự 'trỗi dậy' của DeepSeek
OpenAI tiếp tục mở rộng tầm bao phủ với tốc độ ấn tượng, bất chấp áp lực từ các đối thủ cạnh tranh.

Biểu tượng của Công ty OpenAI và ChatGPT trên màn hình ở Toulouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Công ty công nghệ có trụ sở tại San Francisco đã ghi nhận trong tháng 2 có 400 triệu người dùng hoạt động hằng tuần, tăng 33% so với con số 300 triệu trong tháng 12/2024. Đây là lần đầu tiên dữ liệu này được công bố.
Theo Giám đốc vận hành OpenAI Brad Lightcap, ChatGPT ngày càng phổ biến là do nhiều yếu tố, trong đó có khả năng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dùng. Quá trình này diễn ra tự nhiên khi ngày càng có nhiều người tiếp cận và nhận thấy tiện ích của công cụ. Tốc độ lan truyền của ChatGPT chủ yếu dựa vào yếu tố truyền miệng, khi người dùng giới thiệu cho bạn bè và đồng nghiệp. Theo thời gian, nhiều người dần tìm ra cách tận dụng công cụ này để hỗ trợ công việc và cuộc sống, từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Không chỉ mảng người dùng cá nhân phát triển mạnh, OpenAI cũng đang chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng của phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, công ty có khoảng 2 triệu doanh nghiệp trả phí, gấp đôi so với tháng 9 năm ngoái. Ông Lightcap cho biết nhiều nhân viên ban đầu sử dụng ChatGPT cho mục đích cá nhân, sau đó đề xuất doanh nghiệp của họ triển khai công cụ này để tối ưu quy trình làm việc. Ông cho rằng sự quen thuộc của người dùng cá nhân với ChatGPT đã giúp công ty dễ dàng mở rộng sang lĩnh vực doanh nghiệp.
Cùng với đó, lượng truy cập từ các nhà phát triển cũng tăng gấp đôi trong 6 tháng qua, trong khi nhu cầu đối với mô hình “lý luận” o3 đã tăng gấp 5 lần. OpenAI hiện đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như Uber, Morgan Stanley, Moderna và T-Mobile để tích hợp công nghệ vào các ứng dụng của họ.
So sánh với sự phát triển của dịch vụ đám mây cách đây hai thập kỷ, ông Lightcap nhận định AI sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Ông cho rằng doanh nghiệp sẽ dần dựa vào các mô hình AI mạnh mẽ để vận hành, tương tự cách mà điện toán đám mây đã thay đổi cách thức hoạt động của các công ty trong quá khứ.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của OpenAI diễn ra trong bối cảnh xuất hiện đối thủ cạnh tranh mới từ Trung Quốc - DeepSeek. Sự ra mắt của DeepSeek vào tháng 1 đã gây lo ngại trên thị trường, khi giới đầu tư dự báo công ty này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty AI của Mỹ. Ngay trong ngày DeepSeek ra mắt, cổ phiếu Nvidia giảm 17%, khiến giá trị vốn hóa thị trường của hãng mất gần 600 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Lightcap khẳng định sự xuất hiện của DeepSeek không làm thay đổi định hướng mã nguồn mở, lộ trình phát triển hay chiến lược đầu tư của OpenAI. Theo ông, DeepSeek là minh chứng cho việc AI đã bước vào giai đoạn phổ biến rộng rãi, một điều khó có thể tưởng tượng được chỉ hai năm trước.
Bên cạnh áp lực cạnh tranh, OpenAI còn đối mặt với những thách thức pháp lý, trong đó đáng chú ý nhất là vụ kiện từ tỷ phú Elon Musk. Người đồng sáng lập OpenAI đã đệ đơn kiện công ty với cáo buộc vi phạm hợp đồng khi chuyển đổi thành mô hình vì lợi nhuận.
OpenAI hiện vẫn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư. Microsoft đã rót hàng tỷ USD vào công ty, trong khi SoftBank đang tiến gần đến một thỏa thuận đầu tư 40 tỷ USD, có thể định giá OpenAI lên tới 300 tỷ USD.
Không chỉ dừng lại ở việc kiện tụng, tỷ phú Musk và một nhóm nhà đầu tư còn đề nghị mua lại tài sản của tổ chức phi lợi nhuận OpenAI với giá 97,4 tỷ USD vào đầu tháng này. Tuy nhiên, hội đồng quản trị OpenAI nhanh chóng bác bỏ lời đề nghị này, khẳng định đây không phải một đề xuất hợp lệ. Chủ tịch OpenAI, Bret Taylor, cũng tuyên bố công ty không phải để bán.