Trí tuệ nhân tạo thay thế gia sư tại Trung Quốc
Trang Sixth Tone cho biết tại Trung Quốc các phòng 'tự học' được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay thế gia sư trở thành ngành phát triển vô cùng nhanh chóng.
Phòng “tự học” chỉ là bộ bàn ghế cùng vách ngăn, nơi học sinh ngồi im lặng và dán mắt vào máy tính bảng. Phần mềm tìm kiếm lỗi rồi tiến hành sửa, điều chỉnh bài học theo thời gian thực. Chẳng hề có giáo viên đủ chuẩn hành nghề mà chỉ có AI giám sát, người hướng dẫn chỉ theo dõi quá trình và khích lệ.
Không quảng cáo là trung tâm gia sư, phòng “tự học” nhanh chóng phổ biến khắp Trung Quốc vì không vi phạm quy định cấm dạy thêm ngoài trường cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9.
Nhắm mục tiêu là học sinh 8 - 18 tuổi, số lượng cơ sở dạng này hiện vào khoảng 50.000 đem lại giải pháp chi phí thấp cho việc học thêm. Đây còn là giải pháp cá nhân hóa mà không cần giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Thay vì được giảng dạy trực tiếp, học sinh trong "phòng tự học” tuân theo chương trình tải sẵn cùng kế hoạch học tập do AI xây dựng trên máy tính bảng. Một số cơ sở bán cả máy tính bảng kèm 1 tháng sử dụng phòng miễn phí, vài cơ sở khác thì bán gói dịch vụ gồm phí thành viên cộng thiết bị.
Phần mềm của máy tính sẽ phân tích độ chính xác khi làm bài tập, xác định lỗi và biên soạn lại để học sinh thực hành lặp đi lặp lại. Nhiều cơ sở tuyên bố AI có thể lập lộ trình học tập cho từng cá nhân cũng như điều chỉnh bài tập dựa trên quá trình tương tác. Thậm chí phụ huynh còn được nắm bắt hiệu quả học tập của con từ xa thông qua ứng dụng di động, nhận báo cáo chi tiết về mức độ chính xác lẫn độ thành thạo.
Theo công ty công nghệ RUNTO, năm ngoái doanh số máy tính bảng công nghệ giấy điện tử tại thị trường Trung Quốc đạt 1,83 triệu chiếc, tăng đến 49,1% so với năm trước đó. Báo chí nước này cho biết các cơ sở mở phòng “tự học” rất biết cách tránh sự vi phạm quy định. Giấy phép đăng ký kinh doanh cùng tài liệu quảng cáo của họ tránh dùng từ như “giáo dục”, “gia sư” hay “đào tạo” mà sử dụng “phương tiện truyền thông văn hóa” hay “dịch vụ công nghệ” để có vẻ không liên quan đến hoạt động dạy thêm. Ngoài ra bằng cách hoạt động theo hệ thống thành viên thay vì thu học phí, tiền mà các cơ sở thu được xem như tiền thuê cơ sở vật chất hoặc tiền mua quyền sử dụng dịch vụ. Một máy tính bảng kèm 1 tháng sử dụng miễn phí thường có giá 5.000 nhân dân tệ (687 USD). Sau đó phụ huynh phải trả thêm tiền giám sát việc học dao động từ 1.000 tệ đến 3.000 tệ/tháng. Dịch vụ giám sát trong kỳ nghỉ có giá cao hơn.
So với gia sư truyền thống, "phòng tự học” rẻ hơn hẳn. Một buổi gia sư kèm riêng dài 2 giờ đồng hồ tiêu tốn từ vài trăm đến 1.000 tệ.
Trên mạng xã hội không thiếu người mở trung tâm dạng này khoe khoang lợi nhuận khủng. Vài người tuyên bố trong 1 năm họ mở đến 4 địa điểm và thu về trung bình 90.000 tệ/tháng.
Đại diện một thương hiệu máy tính bảng dùng cho việc học chia sẻ thiết bị có giá bán lẻ 5.780 tệ, giá bán buôn cao nhất là 3.680 tệ. Lập một cơ sở phòng “tự học” cần 20.000 đến vài trăm nghìn tệ, thời gian hoàn vốn khoảng 1 - 3 tháng và biên lợi nhuận 65%.
Giới chuyên gia giáo dục vô cùng hoài nghi tính hiệu quả lẫn tính pháp lý của trung tâm dạng này. Chuyên gia chính sách đào tạo Xue Haiping (Bộ Giáo dục Trung Quốc) nhận định phòng “tự học” về cơ bản là hình thức dạy thêm ngoài trường kiểu mới, quy mô nhỏ hơn nhưng khó quản lý hơn, phổ biến ở thành phố nhỏ.
“Mục đích chính là luyện tập trả lời câu hỏi và cải thiện điểm số. Nó là phiên bản phân tán, vô hình hơn của dạy thêm truyền thống”, theo chuyên gia Xue.
Nhà nghiên cứu Wu He (công ty phần mềm K-12) cũng cho rằng phòng “tự học” thiếu khả năng AI thực sự, chỉ dựa vào loạt lời nhắc thiết lập sẵn chứ không phải tương tác: “Học sinh học để thi hiếm khi đặt câu hỏi. Thiết bị như vậy không khuyến khích tư duy phản biện”.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tri-tue-nhan-tao-thay-the-gia-su-tai-trung-quoc-228576.html