Vì sao Mỹ khó có siêu ứng dụng như châu Á?

Dù người dùng thích sự tiện lợi của việc hợp nhất nhiều tính năng, rào cản đối với siêu ứng dụng ở Mỹ khá khó để vượt qua.

Một nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng người Mỹ sử dụng trung bình 46 ứng dụng di động (app) mỗi tháng cho các nhu cầu của mình. Vậy, nếu có thể kết hợp tất cả trong một ứng dụng duy nhất để đáp ứng mọi nhu cầu, từ giao lưu, đặt đồ ăn, trả tiền thuê nhà cho đến hỏi ý kiến bác sĩ, thì sao? Đây là ý tưởng đằng sau một siêu ứng dụng (super app).

Nói đơn giản, siêu ứng dụng là phần mềm cho thiết bị di động, với nhiều dịch vụ đa dạng được tích hợp trên một nền tảng. Ví dụ điển hình và cũng phổ biến là WeChat của Tencent. Trong khi các siêu ứng dụng đã phát triển mạnh ở châu Á, việc triển khai chúng ở các thị trường phương Tây lại chậm hơn.

Vậy, động lực đằng sau sức hấp dẫn của siêu ứng dụng ở châu Á là gì? Vì sao Mỹ lại chậm áp dụng nó và liệu một siêu ứng dụng có thể sớm xuất hiện ở Mỹ hay không?

Siêu ứng dụng là phần mềm cho thiết bị di động, với nhiều dịch vụ đa dạng được tích hợp trên một nền tảng

Siêu ứng dụng là phần mềm cho thiết bị di động, với nhiều dịch vụ đa dạng được tích hợp trên một nền tảng

Sự trỗi dậy của siêu ứng dụng

Hầu hết các siêu ứng dụng đều thuộc châu Á, nhất là Trung Quốc. Trong đó, WeChat, thuộc sở hữu của Tencent, Alipay thuộc Ant Financial; 2 ứng dụng này có tới hơn 2 tỷ người dùng.

Ra mắt năm 2011, WeChat ban đầu là ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội nhưng dần được bổ sung nhiều dịch vụ khác. Cuối cùng, nó đạt 1,3 tỷ người dùng hằng tháng và trở thành một hệ sinh thái tự thân - yếu tố khiến người dùng có rất ít lý do để rời bỏ.

Ở những nơi khác tại châu Á, các siêu ứng dụng cũng đã cất cánh. Kakao của Hàn Quốc được hơn 90% người dùng điện thoại thông minh trong nước sử dụng, Nhật Bản có Line, trong khi Đông Nam Á có Grab và Ấn Độ có Paytm.

"Chúng ta đều phát ngán với hàng chục ứng dụng trên điện thoại và sức hấp dẫn của siêu ứng dụng là tất cả chức năng đều tập trung tại một nơi. Nó tiện lợi, không gây cản trở và hợp nhất các dịch vụ thành một cửa hàng duy nhất cho hầu hết nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày", Arjun Kharpal - Phóng viên mảng Công nghệ của CNBC, nhận xét.

Đồng thời, sự sẵn lòng của người tiêu dùng và sự háo hức đổi mới của các công ty châu Á, cũng giúp siêu ứng dụng trở nên phổ biến trong khu vực. Trên thực tế, các siêu ứng dụng hoạt động phổ biến ở Trung Quốc lẫn thị trường châu Á vì đây là nhóm dân số rất nhạy bén với internet và là những người đã chuyển từ máy tính bàn sang thiết bị di động".

"Ở nhiều thị trường châu Á, người tiêu dùng ít phụ thuộc vào các ứng dụng trên máy tính để bàn hơn. Vì vậy, khi các ứng dụng hấp dẫn trên thiết bị di động xuất hiện, chúng đã được áp dụng rộng rãi. Cũng có ít sự ác cảm hơn khi phụ thuộc vào một công ty duy nhất hoặc một vài công ty để cung cấp phần lớn nhu cầu hàng ngày của bạn", Giáo sư Dan Prud'homme - người đã viết về khả năng áp dụng siêu ứng dụng tại Mỹ cho Harvard Business Review, nhận định.

Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy việc siêu ứng dụng ở châu Á là sự ra đời của ví điện tử. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy một trong những khía cạnh quan trọng nhất của siêu ứng dụng là thanh toán điện tử và ngân hàng. Đó là cách các siêu ứng dụng châu Á phát triển. Ngược lại, người tiêu dùng và thương nhân Mỹ trước đây phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng thẻ tín dụng để giao dịch.

"Điều này không đúng ở nhiều nơi ở châu Á, gồm cả Trung Quốc. Bằng cách giới thiệu ví điện tử, mà về cơ bản là các ngân hàng tư nhân không phụ thuộc vào thẻ tín dụng, bạn cung cấp một cách thức giao dịch rẻ hơn và dễ dàng hơn cho người tiêu dùng và thương nhân", ông Prud'homme nói.

WeChat được xem là ví dụ điển hình và phổ biến nhất cho siêu ứng dụng.

WeChat được xem là ví dụ điển hình và phổ biến nhất cho siêu ứng dụng.

Tham vọng siêu ứng dụng ở Mỹ

Nhiều người ở Thung lũng Silicon từ lâu đã xem WeChat là tiêu chuẩn vàng cho ứng dụng và các công ty công nghệ đã đặt tham vọng tạo ra siêu ứng dụng kế tiếp cho thị trường Mỹ. Theo ông Prud'homme, ở một mức độ nào đó, siêu ứng dụng đã có tại Mỹ, chỉ là chúng không được 'siêu' như WeChat.

Ví dụ, Elon Musk trong nhiều năm đã nói về tầm nhìn đưa X thành một siêu ứng dụng, đề cập đến việc tích hợp các chức năng như thanh toán và nhiều thứ khác. Ngoài ra, còn có WhatsApp - ứng dụng đang thử nghiệm thanh toán ở Ấn Độ, trong khi Facebook Messenger tích hợp trợ lý AI của Meta. Hơn nữa, không thể không nhắc đến Amazon.

"Với Amazon, bạn có một chợ online, nơi phát trực tuyến video, phát nhạc, hiệu thuốc và thậm chí là nơi đặt lịch hẹn với bác sĩ, tất cả trong một ứng dụng. Facebook cũng kết hợp phương tiện truyền thông xã hội, nhắn tin, sàn giao dịch và game. Uber cung cấp dịch vụ gọi xe, Uber Eats, giao hàng tạp hóa, giao hàng bưu kiện… Gần đây, Uber thậm chí còn thảo luận về khả năng mua lại công ty đặt vé du lịch Expedia. Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ củng cố thêm vị thế của Uber như một siêu ứng dụng du lịch”, ông Prud'homme nói.

"Đây là một bước tiến tới siêu ứng dụng. Nó không khác những gì chúng ta thấy ở châu Á. Khái niệm siêu ứng dụng là nơi Uber đang hướng tới. Uber đang ngày càng cố gắng trở thành một cửa hàng cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói", Dan Ives - Giám đốc Wedbush Securities, giải thích.

Thách thức với siêu ứng dụng

Có 3 lý do khiến các công ty công nghệ khó đưa mô hình siêu ứng dụng vào Mỹ và một thách thức lớn là các mối quan ngại về quy định và chống độc quyền.

Dưới biện pháp bảo vệ mạnh mẽ cho các hoạt động như cho vay ngang hàng, quyền riêng tư dữ liệu và chống độc quyền, môi trường quy định tại Mỹ chắc chắn không thuận lợi cho việc phát triển một siêu ứng dụng. Theo Prud'homme, các hạn chế này đã khiến ứng dụng tại Mỹ khó có thể phát triển theo cùng một cách mà WeChat đã làm.

"Nếu một ứng dụng cố gắng làm mọi thứ, chắc chắn sẽ nảy sinh những câu hỏi. Nó có độc quyền không? Doanh thu được chia sẻ như thế nào với các dịch vụ trên siêu ứng dụng? Nó có gây tổn hại đến sự cạnh tranh không? Đây là một số vấn đề chính mà các cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ xem xét", Kharpal nói .

Một thách thức khác là mức độ cạnh tranh cao và tính phân mảnh đáng kể của thị trường Mỹ, với rất nhiều người chơi lẫn đối thủ cạnh tranh.

"Ở Trung Quốc, WeChat là ứng dụng nhắn tin thống trị, ăn sâu vào xã hội và được hầu hết mọi người sử dụng hằng ngày. Nhưng ở Mỹ thì khác. Ở đây, chúng ta có WhatsApp, iMessage của Apple, Signal, Telegram và nhiều ứng dụng nhắn tin khác. Trong các lĩnh vực khác, như giao đồ ăn hoặc gọi xe, cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh và họ thường không muốn chia sẻ dữ liệu hoặc khách hàng với nhau", Kharpal nhận xét.

Bên cạnh đó, sự bảo hộ từ Trung Quốc cũng đóng vai trò lớn trong việc tạo điều kiện cho sự thống trị của WeChat. Là một công ty trẻ, WeChat đã được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của những gã khổng lồ toàn cầu như Facebook, Twitter và Google - điều không hề tồn tại ở Mỹ.

Cuối cùng, rào cản thứ ba là hành vi của người dùng. "Mọi người ở Mỹ có mối quan hệ khác nhau với các thương hiệu và ứng dụng. Nếu tôi đặt kỳ nghỉ hoặc chuyến bay, tôi có thể sử dụng một nhà cung cấp cụ thể. Nếu tôi thích giao đồ ăn từ một ứng dụng nhất định, tôi sẽ gắn bó với ứng dụng đó. Hoặc tôi có thể mua sắm từ một ứng dụng khác hoàn toàn. Vậy, liệu người dùng có sẵn sàng hợp nhất tất cả dịch vụ này vào một ứng dụng do Meta, Uber, Apple hay một công ty khác sở hữu không? Đó là một câu hỏi lớn", Kharpal kết luận.

Quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu, chống độc quyền, cho vay ngang hàng v.v... là những rào cản siêu ứng dụng ở Mỹ lẫn phương Tây.

Quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu, chống độc quyền, cho vay ngang hàng v.v... là những rào cản siêu ứng dụng ở Mỹ lẫn phương Tây.

Tương lai của siêu ứng dụng

"Chúng ta có thể thấy một siêu ứng dụng ở Mỹ không? Có, nhưng sẽ không giống như những gì đang tồn tại ở châu Á. Có khả năng đó sẽ là một ứng dụng siêu một chút. Bạn sẽ thấy các công ty nỗ lực thêm tính năng và tích hợp các dịch vụ vào ứng dụng của họ, nhưng nó sẽ không giống như WeChat", Kharpal nói.

"WeChat, với tư cách tiêu chuẩn vàng cho các siêu ứng dụng, là một điều bất thường trên toàn cầu. Nó lưu trữ 1 triệu hoặc nhiều chương trình nhỏ trong hệ sinh thái của mình. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ sớm thấy bất cứ điều gì như vậy ở Mỹ", Prud'homme cho biết.

Tuy nhiên, việc không thể vươn được tới chuẩn của WeChat không có nghĩa là các công ty công nghệ sẽ Mỹ “ngồi yên”. Hiện, cả Amazon, Facebook và Uber đều đã cung cấp một loạt dịch vụ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của phần lớn mọi người. Đặc biệt, Uber nói riêng đã tuyên bố cam kết xây dựng một siêu ứng dụng.

"Chúng tôi đang chậm rãi nhưng chắc chắn xây dựng siêu ứng dụng đó. Chúng tôi muốn trở thành nền tảng của bạn tại khu vực địa phương của bạn, cung cấp mọi thứ bạn cần, bất cứ nơi nào bạn muốn đến. Không có công ty nào khác đang thực hiện tầm nhìn siêu ứng dụng địa phương này như chúng tôi", Dara Khosrowshahi - CEO của Uber, khẳng định.

"Rõ ràng người tiêu dùng Mỹ thích sự tiện lợi của việc hợp nhất các ứng dụng. Họ không muốn quá tải với hàng chục ứng dụng trên điện thoại. Vì vậy, chắc chắn có một đề xuất giá trị cho các siêu ứng dụng tại Mỹ", Prud'homme kết luận.

Khởi Vũ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/vi-sao-my-kho-co-sieu-ung-dung-nhu-chau-a-315756.html