Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật

Sáng 4-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh họp triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ trì hội nghị. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, hiện tổng đàn lợn của tỉnh đạt 758.416 con... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Sáng 4-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh họp triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, hiện tổng đàn lợn của tỉnh đạt 758.416 con, tăng 6,7%; đàn trâu, bò đạt 36.105 con; đàn gia cầm đạt 8 triệu 927 nghìn con, tăng 5,4% so với năm 2019, cao nhất từ trước đến nay. Hiện tại trên địa bàn cả nước và tỉnh ta đang xuất hiện nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật. Tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò và dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6. Từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 hộ chăn nuôi thuộc xã Yên Khánh (Ý Yên) và xã Cộng Hòa (Vụ Bản); số gia cầm tiêu hủy là 1.577 con gà, vịt. Xảy ra 6 ổ dịch viêm da nổi cục tại 9 hộ chăn nuôi các xã: Hồng Quang, Nam Hùng (Nam Trực); Giao Thiện (Giao Thủy); Minh Tân (Vụ Bản); Nghĩa Trung, Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng); số bò mắc bệnh là 15 con, số phải tiêu hủy là 1 con. Đến nay, ổ dịch tại xã Hồng Quang đã qua 21 ngày không phát sinh bò mắc bệnh. Giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu thời tiết có nhiều yếu tố thuận lợi cho vi-rút, vi khuẩn phát triển; việc buôn bán, vận chuyển động vật, sử dụng các sản phẩm động vật tăng cao; hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học vẫn chiếm đa số... là nguy cơ tiềm ẩn xuất hiện, phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn GSGC.

Tỉnh đã phát động đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc từ ngày 1-1 đến 20-1-2021. Sở NN và PTNT đã hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi, định kỳ phun hóa chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đã cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện lưu thông động vật, sản phẩm động vật, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. Tại những nơi xảy ra dịch bệnh đã thực hiện tạm dừng buôn bán, giết mổ, xuất nhập gia súc, gia cầm mẫn cảm với dịch bệnh đang xảy ra để nhanh chóng kiểm soát dịch…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Quan điểm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trước hết phụ thuộc vào người chăn nuôi và sự hướng dẫn của cơ quan quản lý; phòng là chính song khi phát hiện có dịch phải tổ chức khoanh vùng bao vây dập dịch không để lây lan. Kiểm soát dịch bệnh nhưng không gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các sở, ngành, địa phương tập trung huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho GSGC theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, của UBND tỉnh. Các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho GSGC. Tiến hành rà soát kiện toàn, tăng cường trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo để chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát cảnh báo dịch để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; tổ chức quản lý, nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ nuôi; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo dịch theo quy định. Các địa phương có ổ dịch cúm gia cầm, viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày, cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Sở NN và PTNT tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo chuỗi kinh tế tuần hoàn. Tổ chức tốt công tác tiêm phòng bắt buộc về số lượng GSGC phải tiêm cho từng xã, phường, thị trấn. Các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp, thuốc thú y, vắc-xin phòng bệnh trên địa bàn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y; phát huy tốt chức năng ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc giám sát dịch bệnh động vật. Khi xuất hiện ổ dịch, các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, tổ chức khoanh vùng, nhanh chóng dập dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng./.

Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/202102/trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-dich-benh-dong-vat-2542396/