Triển khai các giải pháp để sản xuất vụ đông xuân đạt kết quả cao

Chuẩn bị bước vào sản xuất vụ đông xuân 2021- 2022, ngoài những khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, diễn biến thời tiết bất thường như rét đậm rét hại đầu vụ... làm gia tăng rủi ro trong sản xuất, người nông dân còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo khác. Đó là giá phân bón tăng cao đầu vụ, việc triển khai sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế do tác động của COVID - 19. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã chủ động đề ra các giải pháp để nỗ lực triển khai sản xuất vụ mùa thắng lợi.

 Nông dân làm đất để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân - Ảnh: T.T

Nông dân làm đất để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân - Ảnh: T.T

Năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT liên kết với Công ty Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao (giống ST24, ST25) với quy mô 70 ha trên địa bàn 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Theo đó, công ty cung ứng giống, phân bón… cho các hợp tác xã (HTX) sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua hai vụ sản xuất, năng suất lúa đạt từ 70 - 80 tạ lúa tươi/ha. Công ty thu mua cho người dân giá 7.000 đồng/kg lúa tươi. Sau khi trừ chi phí nông dân có lãi từ 30-36 triệu đồng/ha, cao hơn so với lúa sản xuất truyền thống 8-9 triệu đồng/ha.

Là một trong những đơn vị được lựa chọn triển khai liên kết với Công ty Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Xuân Viên (gọi tắt là HTX Xuân Viên), xã Hải Dương, huyện Hải Lăng sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi nhất từ trước đến nay với năng suất đạt 80 tạ/ha. Tuy nhiên, bước vào vụ đông xuân 2021 - 2022, người dân đứng trước nhiều nỗi lo. Với diện tích gieo cấy 130 ha, vụ mùa này, HTX dự kiến lựa chọn các giống lúa mới, ngắn ngày như giống TBR 97, ANS1 (An Sinh 1399), ST24… để đưa vào sản xuất.

“Thực hiện liên kết sản xuất, HTX phụ thuộc vào nguồn giống, phân bón do công ty cung ứng, do dịch bệnh phức tạp nên khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Hiện nay chúng tôi mới triển khai đăng ký giống lúa đưa vào sản xuất vụ mùa mới. Người dân lo nhất là giá phân bón đầu vụ tăng quá cao, gấp 1,5 lần, chưa kể chi phí cho các loại vật tư khác như thuốc trừ sâu, giống… Trước đây, giá phân bón từ 9.000 - 10.000 đồng/kg thì nay tăng lên từ 14.000 - 15.000 đồng/kg trong khi giá lúa vẫn không tăng”, Giám đốc HTX Xuân Viên Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ.

Năm 2021, diện tích gieo trồng lúa hai vụ toàn tỉnh đạt hơn 50.204 ha, giảm hơn 430 ha so với cùng kỳ năm 2020. Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề thiên tai năm 2020, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng và tác động của COVID - 19, tuy nhiên sản lượng lúa ước đạt 27,9 vạn tấn, tăng 4.149 tấn so năm 2020. Đặc biệt vụ đông xuân 2020-2021 được mùa nhất từ trước đến nay với năng suất lúa đạt 61 tạ/ha, cao hơn 2,3 tạ/ha so với năm 2020.

Chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 25.500 ha lúa. Trên cơ sở dự báo thời tiết vụ đông xuân 2021-2022 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vụ đông xuân 2021 - 2022, các địa phương sẽ triển khai gieo sạ từ ngày 5 -20/1/2022, tùy theo giống lúa. Riêng 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, ngoài thời vụ trên, tùy theo điều kiện khí hậu của tiểu vùng và khả năng chủ động nguồn nước để bố trí thời vụ phù hợp.

Để chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, chủ trương của ngành nông nghiệp là tiếp tục cơ cấu 100% các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chuẩn bị đầy đủ nguồn giống đảm bảo chất lượng để cung ứng cho người dân sản xuất. Các giống lúa chủ lực được đưa vào sản xuất đại trà gồm HN6, HC95, An Sinh 1399, Dự Hương 8, Đài Thơm 8, Khang Dân, ĐD2, Bắc Thơm 7... Đối với diện tích đất lúa dự báo thiếu nước trong vụ hè thu thì xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy mô tập trung ngay trong vụ đông xuân, sử dụng giống lúa chịu hạn, chuyển sang trồng cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu xanh, dưa hấu…, các mô hình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản khác phù hợp với điều kiện từng vùng.

Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân áp dụng biện pháp tưới luân phiên, tận dụng các nguồn nước hồi quy ở các trục tiêu, ao hồ, sông suối để bơm tát phục vụ làm đất, gieo sạ và tưới vụ đông xuân, tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa để phục vụ tưới khi cần thiết và cho vụ hè thu. Chủ động be bờ giữ nước trong ruộng trước lúc vào vụ sản xuất, tích nước ở các bàu, ao, đầm, khoanh vùng đặt máy bơm dã chiến hỗ trợ khi cần thiết.

Nhằm hạn chế thấp nhất sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất cây lúa, nguyên tắc “phòng bệnh là chính, trừ bệnh phải triệt để” cũng được đưa vào áp dụng ngay từ đầu vụ. Theo đó, toàn tỉnh sẽ phát động người dân ra quân làm vệ sinh đồng ruộng. Tận dụng nguồn nước sẵn có trên ruộng chủ động cày vùi gốc rạ, tiêu diệt mầm mống sâu bệnh sớm, góp phần giảm lượng nước cũng như công làm đất khi vào chính vụ sản xuất. Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, tăng cường sử dụng công cụ sạ hàng, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phổ biến và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, canh tác thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học… nhằm giảm thiểu sự thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Khuyến khích nhân rộng xu hướng tổ chức sản xuất theo quy trình hữu cơ, GAP, an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả nhằm gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Trong điều kiện giá phân bón tăng cao đầu vụ như hiện nay, giải pháp quan trọng là tuyên truyền để người dân sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý các phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp, tạo phân hữu cơ để bón cho cây trồng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời ngành chức năng sẽ tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về việc kinh doanh, tổ chức hội thảo quảng cáo, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết: “Để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp thực hiện rà soát, thống kê và thông tin sản lượng nông sản trên địa bàn, sản lượng dự kiến thu hoạch theo từng thời điểm, tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu kết nối tiêu thụ, giá cả, người thu mua. Phối hợp với các ngành liên quan kết nối với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích nhằm đưa sản phẩm nông sản địa phương vào tiêu thụ cũng như đưa nông sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử”.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=162189&title=trien-khai-cac-giai-phap-de-san-xuat-vu-dong-xuan-dat-ket-qua-cao