Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 2 và lớp 6: Vượt khó tạo nền tảng giáo dục
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước bắt tay vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội. Kết quả trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 là tiền đề để toàn ngành tiếp tục vững tin triển khai với lớp 2, lớp 6. Chủ động khắc phục khó khăn nhằm thực hiện hiệu quả, tạo nền tảng giáo dục một cách vững chắc là quyết tâm của các trường học trên địa bàn Hà Nội.
Tập huấn trực tuyến chương trình sách giáo khoa mới lớp 6 cho giáo viên Trường Trung học cơ sở Thăng Long (quận Ba Đình), tháng 6-2021. Ảnh: Nguyễn Hạnh
Tín hiệu tích cực
Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với lớp 1, có thể thấy, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, nhất là những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những lúng túng ban đầu để hoàn thành nhiệm vụ. Một vài “hạt sạn”, như để lỗi trong sách giáo khoa, những trăn trở về chương trình nặng… nhanh chóng được giải quyết, không để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, nhận được sự đồng thuận của người dân.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho rằng, tất cả các trường tiểu học trên cả nước đã hoàn thành chương trình đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn yêu cầu của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Học sinh lớp 1 mạnh dạn hơn, dám thể hiện quan điểm và đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ I.
Cùng với các địa phương, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả tốt trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1. Cô giáo Lê Bích Nguyệt, giáo viên lớp 1E, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, trước đây, có khi đến giữa học kỳ I, một số học sinh mới thuộc bảng chữ cái, nhưng khi học sách giáo khoa mới, hầu hết học sinh thuộc bảng chữ cái nhanh hơn và cũng nhanh đọc trôi chảy hơn. Môn toán cũng hấp dẫn học sinh hơn, bởi có các hoạt động trải nghiệm thực tế.
Tương tự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đà A (huyện Mê Linh) Lê Văn Long cho hay, năm học 2020-2021, trường có 6 lớp 1 với hơn 200 học sinh. Với sách giáo khoa mới, điểm khác biệt dễ thấy là không khí học tập ở các môn học rất sôi nổi, học sinh hào hứng hơn với việc học.
Còn bà Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh học sinh lớp 1, Trường Trung học cơ sở Giáp Bát (quận Hoàng Mai) bày tỏ: "Điều làm tôi phấn khởi và yên tâm là chương trình mới không nặng. Mỗi ngày vào giờ học, kể cả vào thời điểm cuối năm học phải học trực tuyến, các con đều vui vẻ, hào hứng".
Giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập (huyện Đan Phượng) nghiên cứu chương trình sách giáo khoa mới lớp 2, chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, tháng 6-2021. Ảnh: Đỗ Tâm
Tạo linh hoạt và thuận lợi trong triển khai chương trình mới
Xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố cốt lõi, tác động trực tiếp đến chất lượng dạy học, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuẩn bị mọi mặt để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 2 và lớp 6, năm học 2021-2022. Ngày 16-8, UBND thành phố đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, trong đó quyết định ngày tựu trường sớm nhất của học sinh từ 1-9. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các trường học đã chủ động, sẵn sàng triển khai phương án dạy học trực tuyến.
Là một trong những giáo viên được phân công dạy lớp 6, cô giáo Nguyễn Thị Lan, Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế dạy học trực tuyến trong khoảng thời gian dài do ảnh hưởng của dịch, đồng thời tiên lượng học sinh lớp 6 năm nay có thể bị mai một kiến thức, vì hai năm học liên tiếp gần đây, việc học ở lớp của các em bị gián đoạn. Tôi và các đồng nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch bổ trợ cho học sinh theo hướng dạy học phân hóa, chia nhóm đối tượng để vừa bảo đảm hiệu quả, vừa không ảnh hưởng đến tiến độ chung".
Còn Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Nguyễn Đức Lượng thông tin, phòng đã mời các chuyên gia, tác giả viết sách giáo khoa về bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên của các trường, đặc biệt chú ý với những môn học mới ở lớp 6 như môn khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý… Giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn cũng được tham gia tiết dạy thử nghiệm với một số môn học. Phòng cũng khuyến khích các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường để cùng tháo gỡ những vướng mắc chung, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến hiệu quả.
Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, những tín hiệu tích cực trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 1 là nền tảng để các trường tiếp tục triển khai chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 2 và lớp 6. Thời gian từ nay tới ngày khai giảng năm học mới 2021-2022 không còn nhiều, Sở đề nghị giáo viên các trường tăng cường trao đổi trong tổ, nhóm chuyên môn để thống nhất kế hoạch sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, không quá ép buộc giáo viên phải chạy theo tiến độ. Đây là điểm mới, tạo sự linh hoạt và thuận lợi hơn cho các trường trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
“Sở cũng yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6 theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các nhà trường tăng cường rà soát, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí...”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.