Triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật

Việc triển khai thực hiện tốt hệ thống luật và văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có vị trí, vai trò quan trọng để đảm bảo các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được thực hiện hóa, tạo sự thống nhất trong các khâu tổ chức thực hiện nhằm đưa lại hiệu quả cao nhất để hệ thống luật và văn bản QPPL đi vào cuộc sống. Những năm qua, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã làm tốt công tác triển khai thực hiện luật và các văn bản QPPL, góp phần thúc đẩy nền KT - XH của tỉnh phát triển.

 Các nghị quyết về phát triển kinh tế biển của HĐND tỉnh tạo điều kiện để ngư dân đầu tư vươn khơi bám biển - Ảnh: T.C.L

Các nghị quyết về phát triển kinh tế biển của HĐND tỉnh tạo điều kiện để ngư dân đầu tư vươn khơi bám biển - Ảnh: T.C.L

Ngày 31/5/2022, HĐND tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết để thực hiện hóa các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững. Cụ thể, Nghị quyết số 21/2022/NQHĐNDvềthực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là cụ thể hóa Quyết định số 07/2022/QĐTTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nghị quyết số 22/2022/ NQ-HĐND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là cụ thể hóa Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương. Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là cụ thể hóa Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả chương trình.

Đây là hoạt động rất kịp thời của HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết để cụ thể hóa các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tỉnh có căn cứ để tập trung chỉ đạo sử dụng vốn tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, tránh thất thoát, lãng phí; xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác trên địa bàn, cơ chế huy động các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện các luật và văn bản QPPL thuộc trách nhiệm, phạm vi quản lý của ngành, cơ quan, địa phương mình. Các sở, ban, ngành đã ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện các luật và văn bản QPPL trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản QPPL để chỉ đạo triển khai thực hiện tất cả các lĩnh vực.

Công tác xây dựng ban hành văn bản QPPL của tỉnh về cơ bản đã triển khai đúng tiến độ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Các văn bản triển khai văn bản QPPL của cấp trên được HĐND, UBND tỉnh ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và được các cấp, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện. Qua hoạt động tự kiểm tra và rà soát văn bản QPPL nhận thấy các văn bản QPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý; không phát hiện văn bản trái pháp luật, văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo cần phải xử lý theo quy định.

UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), triển khai thi hành pháp luật. Những năm qua, do bị ảnh hưởng COVID-19, công tác tuyên truyền PBGDPL ít được tổ chức trực tiếp.

Do đó, những tháng đầu năm 2022, khi tình hình COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động này được các cấp, ngành, địa phương tăng cường. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tùy theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đã bố trí về cơ sở vật chất, điều kiện công tác cho cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL, triển khai thi hành pháp luật thông qua nhiều hình thức trực tiếp, qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử...

Đăng tải các chính sách, văn bản mới liên quan đến đời sống, phát triển KT- XH của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ công dân... bằng các bài viết, chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền truyền cổ động, pano, áp phích... để đưa luật và các văn bản QPPL đến tận người dân một cách có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các văn bản QPPL, song trên địa bàn tỉnh do điều kiện kinh phí bố trí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền, PBGDPL, hòa giải ở cơ sở còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL cũng chưa chặt chẽ. Trình độ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ nên chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình.

Kinh phí để triển khai thực hiện một số nghị quyết còn hạn chế, một số nghị quyết đã ban hành nhiều năm nhưng chưa cân đối được kinh phí thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thực hiện, đặc biệt là các nghị quyết quy định các chính sách do ngân sách địa phương đảm nhận. Mặc dù tỉnh đã có quy định về mức chi đối với công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh nhưng một số địa phương chưa cân đối được nguồn ngân sách nên chưa chi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ở cấp xã, vẫn còn nhiều địa phương chưa bố trí riêng kinh phí cho công tác PBGDPL mà chỉ trích trong kinh phí chi thường xuyên hằng năm nên việc triển khai còn bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, việc quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện một số luật và các văn bản QPPL còn chậm trễ, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như chất lượng giải quyết công việc; nhiều văn bản QPPL đã lạc hậu không đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước nhưng chậm sửa đổi, bổ sung, ngược lại có nhiều văn bản được bổ sung, sửa đổi liên tục, có văn bản QPPL vừa ban hành phải thay đổi gây khó khăn trong việc thụ lý giải quyết hồ sơ như các văn bản QPPL liên quan đến chính sách người có công với cách mạng.

Với những tồn tại trên, HĐND tỉnh sẽ tăng cường chức năng giám sát việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, đặc biệt là những nghị quyết liên quan đến lĩnh vực kinh tế, đầu tư công, về các định mức chi, chế độ chính sách... góp phần thực hiện tốt các luật và văn bản QPPL, thúc đẩy KT - XH của tỉnh phát triển.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=168464&title=trien-khai-co-hieu-qua-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat