Triển khai đô thị thông minh còn nhiều bất cập

Việc triển khai đô thị thông minh (ĐTTM) ở nước ta vẫn còn những bất cập, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Đây là các thông tin được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề 1 được tổ chức với chủ đề “Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” chiều ngày 16/6, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, xây dựng và phát triển ĐTTM là một xu hướng mới trên thế giới, đã và đang được nhiều quốc gia tổ chức triển khai thực hiện. Tại Việt Nam, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển ĐTTM đã được ban hành tại các Nghị quyết của Đảng và Đề án của Chính phủ.

Trong đó, nhằm đề ra các chủ trương, đường lối để lãnh đạo, chỉ đạo về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị ở Việt Nam trong thời gian tới và cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, Bộ Chính trị ngày 24/1/2022 đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị, có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Trước đó, Nghị quyết 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị xác định xây dựng ĐTTM là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam khi tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số.

Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1/8/2018 Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030.

TS Nguyễn Đức Hiển thông tin, đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh; khoảng gần 40 tỉnh đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh.

Ngoài ra, có 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị và một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh… với nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đô thị thông minh chiếm từ 50-90%.

Tuy vậy, TS Nguyễn Đức Hiển cho biết, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập như mới bước đầu tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ đô thị thông minh, trong khi các nội dung về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý xây dựng đô thị thông minh chưa thực sự được chú trọng.

Bên cạnh đó, còn ít các dự án đô thị thông minh có cách tiếp cận toàn diện với mục tiêu hướng tới không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị mà xa hơn là hướng tới một quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là những bức phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư.

Tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu, biểu tượng, điển hình là vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các đô thị thông minh còn hạn chế; tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu; việc huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội còn thiếu bài bản.

Hiện nay, mặc dù đã có sự vào cuộc của các bộ, ngành trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển đô thị thông minh song nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến đô thị thông minh còn chưa đồng bộ và thiếu tính liên ngành; quy chế thí điểm quản lý đầu tư phát triển đô thị thông minh, tiêu chí đánh giá khu đô thị mới thông minh chưa được thống nhất ban hành.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ; sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế; nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Đồng quan điểm, TS Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, các nỗ lực xây dựng và phát triển ĐTTM còn chưa có nhiều tiến bộ rõ nét trên nhiều góc độ như: chưa cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ cũng như đề xuất khuyến nghị, giải pháp về vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Bên cạnh đó, những nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị như cây xanh, mặt nước tự nhiên, nỗ lực để đô thị xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn chưa nhiều. Các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển ĐTTM chưa đa dạng, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách.

Từ những hạn chế nêu trên, các chuyên gia đều cho rằng, để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh đối thoại, trao đổi kinh nghiệm. Vì xây dựng và phát triển ĐTTM luôn cần có những sự trao đổi sâu sắc, đa chiều. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn cho đô thị thông minh để áp dụng đồng bộ trong thời gian tới.

T.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trien-khai-do-thi-thong-minh-con-nhieu-bat-cap-655492.html