Triển khai đồng bộ các giải pháp để sản xuất vụ hè thu hiệu quả

Vụ hè thu 2022, theo nhận định, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, sẽ không đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra nếu không áp dụng các giải pháp phù hợp ngay từ đầu vụ.

 Thu hoạch lúa hữu cơ vụ đông xuân tại HTX Kim Long, Hải Quế, Hải Lăng - Ảnh: T.T

Thu hoạch lúa hữu cơ vụ đông xuân tại HTX Kim Long, Hải Quế, Hải Lăng - Ảnh: T.T

Vụ đông xuân 2021 - 2022, nông nghiệp của tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, nhất là các đợt mưa lớn bất thường, trái quy luật. Ngay từ đầu vụ, ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa vừa, đến mưa to làm ngập úng 243 ha lúa mới gieo, trong đó có 117 ha lúa bị ngập sâu phải gieo lại. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, đợt mưa lũ trái vụ làm hơn 11.600 ha lúa đang ở giai đoạn ôm đòng - trổ bông bị đổ, ngập úng sâu từ 8 - 10 ngày làm hư, thối hoàn toàn hơn 9.000 ha, sản lượng lúa thiệt hại ước tính 5,5 vạn tấn, 3.800 ha hoa màu bị ngập úng, đổ ngã, hư hại. Đến đầu tháng 5/2022, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kèm mưa và gió mạnh làm hơn 3.000 ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng, đổ ngã, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch và chất lượng.

Trên mảnh ruộng trồng hơn 4 sào dưa hấu đã hư hỏng hoàn toàn do đợt mưa lớn đầu tháng 4/2022, ông Nguyễn Kiên, thôn An Giạ, xã Triệu Độ, Triệu Phong đã sớm gieo lại lứa dưa thứ hai để tận dụng lượng phân đã đầu tư bón cho vụ trước. Tuy vậy, lứa dưa mới cũng không khả quan khi lá cây bị sâu bệnh. “Tôi đầu tư cho 4 sào dưa hơn 10 triệu đồng tiền giống, phân bón, chưa kể công chăm sóc.

Bình thường những năm trước, 4 sào dưa cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng, năm nay mất trắng cả lúa lẫn hoa màu. Bây giờ để đất thì cỏ mọc nên tận dụng trồng lại vụ dưa khác nhưng khả năng không hiệu quả”, ông Kiên chia sẻ. Tại xã Triệu Độ, kết quả khả quan nhất trong vụ sản xuất đông xuân vừa qua là HTX An Lợi đã tổ chức sản xuất thành công 10 ha lúa ST24 theo tiêu chuẩn VietGap. Với giá thu mua là 10.000 đồng/kg, năng suất lúa tươi 70 tạ/ha, sau khi trừ chi phí nông dân có lãi bình quân 48 triệu đồng/ha.

Vụ hè thu 2022, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 22.300 ha lúa nước, 1.500 ha lúa nương, hơn 2.000 rau, đậu các loại… Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, vụ hè thu 2022 thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều đối tượng sâu bệnh mới, phức tạp tiếp tục phát sinh gây hại như ngộ độc hữu cơ trên lúa, lùn sọc đen, rầy các loại, khảm lá… Ngoài ra, thêm nhiều khó khăn mà nông dân phải đối mặt là tình hình giá cả vật tư, phân bón biến động và tăng cao. Số lượng doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn còn ít.

Khắc phục những thiệt hại nặng nề của vụ đông xuân 2021 - 2022, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực triển khai sản xuất vụ hè thu 2022 theo đúng khung lịch thời vụ ban hành. Chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp nhằm thích ứng với điều kiện nắng nóng, khô hạn, trong đó chú trọng chuyển đổi 300 ha đất lúa thiếu nước sang các hình thức sản xuất và cây trồng khác như ngô, đậu xanh, vừng, dưa hấu, rau các loại…

Trên quan điểm gieo cấy càng sớm càng tốt, đảm bảo thu hoạch nhanh gọn trước mùa mưa lũ, đối với những vùng ruộng chủ động nước tưới, nhất là các xã vùng trũng huyện Hải Lăng, Triệu Phong bố trí thời vụ gieo cấy sớm từ đầu tháng 5, kết thúc gieo sạ chậm nhất đến 20/5/2022. Ưu tiên gieo sạ các giống có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn, dưới 90 ngày như HN6, Khang Dân, TBT cực ngắn… để thu hoạch trước ngày 25/8/2022.

Đối với những diện tích lúa bị hư hại do ảnh hưởng của mưa lũ bất thường trong vụ đông xuân tại huyện Hải Lăng, khuyến cáo người dân kịp thời vệ sinh đồng ruộng, làm đất, bố trí thời vụ gieo cấy sớm hơn nhằm tránh ngập úng vào cuối vụ. Những vùng ruộng cao, ít bị ngập lũ, không chủ động nước tưới, lịch gieo sạ có thể bố trí muộn hơn nhưng phải thu hoạch trước ngày 30/8/2022 để tránh ngập lụt khi mưa lũ xảy ra.

Để đảm bảo nước tưới cho vụ hè thu, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để tưới, tiêu nước tiết kiệm, khoa học đối với các diện tích lúa chủ động nước. Về giải pháp đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết thêm: “Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi căn cứ thông báo lịch thời vụ và cơ cấu giống của sở, chủ động làm việc với các nơi dùng nước để xây dựng kế hoạch mở nước sớm. Đặc biệt quan tâm đối với ruộng lúa bị thiệt hại do mưa lũ phải phá bỏ để gieo cấy sớm tại các xã vùng trũng Hải Lăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở chủ động làm đất sớm, gieo cấy đảm bảo thời vụ. Bám sát tình hình sản xuất và diễn biến của thời tiết để có phương án điều tiết nước tiết kiệm, phối hợp với các địa phương để đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ hè thu, nhất là giai đoạn lúa làm đòng đến trổ”.

Ngành chức năng cũng tăng cường công tác hướng dẫn khoa học kỹ thuật giúp nông dân áp dụng các biện pháp phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, 1 phải 5 giảm..., các giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, thích ứng với điều kiện khô hạn từng vùng.

Khuyến cáo người dân sử dụng giống mới, có phẩm cấp, chất lượng cao, sử dụng phân bón hợp lý, đúng chủng loại để bón cho cây trồng. Ngoài ra, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, trong đó chú trọng việc mời gọi, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa để tổ chức sản xuất hiệu quả.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=167315&title=trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-de-san-xuat-vu-he-thu-hieu-qua