Triển khai dự án thủy lợi Rào Nan: Hợp lòng dân, lợi ích kinh tế lớn
Đập thủy lợi Rào Nan - công trình đã chứng minh hiệu quả của mình trong hơn 50 năm qua. Đó là nguồn sống không thể thiếu của hơn 1.400ha lúa thuộc các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trước sự khắc nghiệt của thời tiết, đập đã xuống cấp, hư hỏng, thất thoát nghiêm trọng tài nguyên nước. Vào những tháng khô hạn, nước không đủ để phục vụ sản xuất và đời sống, do đó việc nâng cấp, xây dựng lại hệ thống thủy lợi Rào Nan là việc làm cấp thiết…
Qua hơn nửa thế kỷ đưa vào sử dụng, đập thủy lợi Rào Nan hiện không đáp ứng được nhu cầu thực tế trong việc cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt đối với hàng ngàn người dân thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.
Để nâng cấp, cải tạo đập Rào Nan, kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất và nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô hạn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt dự án thủy lợi Rào Nan có tổng số vốn đầu tư 350 tỷ đồng.
Dự án có các hạng mục chính, như: xây dựng hệ thống đập dâng để cấp nước tự chảy, hệ thống kênh mương dẫn nước, hệ thống đê đập.
Công trình sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sản xuất và nước sinh hoạt 9 xã vùng Nam sông Gianh, 13 xã phía Bắc sông Gianh, 6 xã vùng Nam huyện Quảng Trạch với diện tích 1.800ha; bảo đảm cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 32.000 m³/ngày, đêm và nước sản xuất công nghiệp 12.000 m³/ngày, đêm.
Đây là mong muốn của hàng ngàn người dân từ nhiều năm nay, giảm thiểu tình trạng lo lắng vì không chủ động được nguồn nước khi mùa vụ tới.
Ông Mai Trung Kiên – Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, cho biết: vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đầu tư cho những công trình trọng điểm, cần thiết cho những địa phương còn nghèo và khó khăn như Quảng Bình nói chung và Ba Đồn, Quảng Sơn nói riêng. Không có đập Rào Nan dân đây quá khổ, thiếu gạo, thiếu lương thực, nhưng từ khi có Rào Nan đến nay đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu như được nâng cấp thì không những tác dụng cho sản xuất mà còn đảm bảo nước sinh hoạt hiện nay là một trong những vấn đề đặt lên hàng đầu quan trọng không chỉ riêng cho 9 xã mà cho cả 22 xã, trong đó có trường học, bệnh viện…
Có thể nói, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án đập thủy lợi Rào Nan là rất cần thiết. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đã khảo sát, nghiên cứu tỷ mỷ về các điều kiện đảm bảo để thi công và phát huy tác dụng, hiệu quả công trình một cách tốt nhất khi đưa vào sử dụng.
Những hoài nghi, lo lắng của người dân Linh Cận Sơn nói riêng và xã Quảng Sơn nói chung đã được giải đáp một cách cặn kẽ, thấu đáo thông qua những căn cứ khoa học. Sau khi được tiếp cận những thông tin về công trình, đại đa số người dân đã đồng thuận.
Sự đồng tình, ủng hộ của người dân là thế, thể hiện rõ ràng qua những buổi họp dân, bàn bạc, thống nhất công khai. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số đối tượng phản động đã tung tin, bịa đặt nhằm gây mất lòng tin trong nhân dân về dự án đập thủy lợi Rào Nan. Chúng tung tin cho rằng, nhân dân Linh Cận Sơn đã móc nối, nhờ cậy các "Linh mục" để rao giảng, cản trở việc thi công Dự án thủy lợi Rào Nan.
Các đối tượng chống đối cực đoan đã nhân cơ hội này "nhiệt tình" vào cuộc can thiệp sâu vào dự án Rào Nan, trắng trợn bịa đặt và cho rằng Rào Nan là đập thủy điện, cao 15m, là một quả bom nguyên tử nước v.v...
Họ kích động người dân lương thiện, do thiếu thông tin, đem theo nhiều băng rôn, giấy A4 với nội dung xuyên tạc, bịa đặt và đầy tính kích động kéo về đập Rào Nan để livestream, quay phim, chụp hình đăng lên mạng internet nhằm phô trương thanh thế, thách thức chính quyền, cản trở việc thi công, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Thực tế, đây là dự án thủy lợi, dạng đập tràn, cao 6m và nước được điều tiết bởi các cửa xả, đảm bảo nước tưới, tiêu hợp lý cho sản xuất và đời sống của nhân dân và quan trọng là tuyệt đối an toàn đối với các công trình vùng hạ du.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Đình Trường - Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, cho biết: “Trước đây, người dân chúng tôi không có nước Rào Nan, chúng tôi rất khổ. Nay có nước Rào Nan, cuộc sống chúng tôi có nhiều thay đổi, phải nói rất lợi. Chuẩn bị công trình mới này, chúng tôi hoan nghênh, đồng tình, nhất là vấn đề khoa học kỹ thuật công trình, chúng tôi không chê cái gì cả. Còn việc nói người dân trong thôn câu kết để phản đối là hoàn toàn không có, cái này chẳng qua là bịa đặt. Với cương vị là Chi hội trưởng Hội Nông dân, tôi muốn nhắn nhủ với bà con nếu như ai kéo ra để phản đối dự án thì tự chịu trách nhiệm”.
Bà Phan Thị Thủy – Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn cho rằng: “Trước đây dân chưa hiểu, chưa nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng xây dựng công trình thủy lợi Rào Nan để làm lợi cho các khu vực hạ du, để lấy nước sinh hoạt, sản xuất. Nay bản thân tôi đã được hiểu rõ, mong chị em hội viên đồng tình để cho dự án triển khai”.
Với nhận thức ban đầu cho rằng dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thôn Linh Cận Sơn, các hộ dân gần khu vực phía đập có những băn khoăn, lo lắng.
Tuy nhiên, với kết quả nghiên cứu khoa học đã cho thấy, ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất, đập còn chức năng điều tiết lũ và do được xây dựng bằng bê tông trên nền địa chất đã được khảo sát nên tuyệt đối an toàn. Không có việc người dân móc nối, nhờ một số linh mục giúp đỡ để phản đối dự án.
Vì thế việc các đối tượng phản động, chống đối cực đoan "nhiệt tình" can thiệp và kích động nhân dân các vùng khác thông qua mạng xã hội để thực hiện các hành vi cản trở, thậm chí kéo đến khu vực dự án để phản đối là việc làm mang tính chống đối, đi ngược lại lợi ích chính đáng của đông đảo người dân, giáo dân.
Nhân dân, đặc biệt là nhân dân thôn Linh Cận Sơn cần hết sức tỉnh táo để mình không bị lợi dụng là công cụ cho các đối tượng kích động, tụ tập, cản trở công trình. Những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.