Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2024

Chiều 5/9, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông năm 2023, sơ kết sản xuất vụ Mùa, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2024.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Sản xuất vụ Mùa năm 2024 gặp không ít khó khăn vì bị ảnh hưởng bởi những đợt mưa lớn diện rộng đã gây ngập úng nhiều diện tích lúa mới cấy và gieo sạ, kéo dài thời vụ gieo cấy. Song được sự chỉ đạo kịp thời từ các cấp và ngành nông nghiệp, các địa phương đã nhanh chóng tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả của ngập úng đảm bảo diện tích gieo cấy theo kế hoạch.

Toàn tỉnh đã gieo trồng được 34.685 ha cây trồng các loại, đạt 100,6% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa đạt trên 31 nghìn ha, cây rau màu 3.540 ha.

Đến nay, diện tích lúa trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt, trà Mùa sớm đang ở giai đoạn trỗ bông đến chắc xanh; trà Mùa trung đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến ôm đòng; trà Mùa muộn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh.

Ở vụ này, thời gian phát sinh các đối tượng sinh vật gây hại muộn hơn so với trung bình nhiều năm, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại trên toàn tỉnh đến ngày 4/9/2024 là gần 35.750 ha. Các đối tượng cần phải lưu ý phòng trừ trong thời gian tới là: sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, rầy cám lứa 7, sâu đục thân hai chấm lứa 6.

Về sản xuất vụ Đông, năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng được 7.659 ha cây trồng các loại, giảm 180 ha so với vụ Đông năm 2022. Các cây trồng chủ yếu gồm ngô, lạc, khoai tây, khoai lang, bí xanh, rau các loại.

Mặc dù diện tích giảm nhưng tổng giá trị sản xuất vụ Đông năm 2023 vẫn tăng trên 30 tỷ đồng so với vụ Đông năm 2022, ước đạt 1.026,6 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân ước đạt 134,03 triệu đồng/ha, tăng 6,96 triệu đồng/ha so với vụ Đông năm 2022.

Các cây trồng có giá trị thu nhập trên ha canh tác cao như: Hoa các loại trên 600 triệu đồng, ớt cay hơn 380 triệu đồng, khoai tây gần 200 triệu đồng, rau các loại khoảng 180 triệu đồng, khoai sọ hơn 150 triệu đồng,…

Vụ Đông năm 2024, ngành Nông nghiệp định hướng không quá chú trọng việc mở rộng diện tích mà tập trung theo hướng thực chất, hiệu quả, quy mô hợp lý. Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng giữa nhóm cây ưa ấm và nhóm cây ưa lạnh; nhóm cây phục vụ chế biến và nhóm cây thực phẩm, rau, củ, quả. Bố trí thời vụ hợp lý để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá tình hình phát triển hiện tại của các trà lúa Mùa, bàn giải pháp quản lý, phòng trừ sâu bệnh cuối vụ, cũng như việc tiêu thoát nước, ứng phó với cơn bão số 3 để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Đối với sản xuất vụ Đông, trước khó khăn về thời tiết, lúa Mùa thu hoạch muộn, thiếu lao động, nhiều ý kiến cho rằng cần căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương để điều chỉnh kế hoạch diện tích cho phù hợp. Tăng cường mở rộng diện tích các cây trồng có liên kết sản xuất để nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, chú trọng việc quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp.

Nguyễn Lựu - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-ke-hoach-san-xuat-vu-dong-nam-2024/d20240905161458230.htm