Triển khai kế hoạch thực hiện 15 xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024
Chiều 5/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả và triển khai kế hoạch thực hiện 10 xã đăng ký về đích xã nông thôn mới và 5 xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội có các đồng chí: Vũ Văn Cài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đại diện 15 xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Mường Hoa (thị xã Sa Pa); Vĩnh Yên, Cam Cọn, Kim Sơn, Điện Quan, Bảo Hà (Bảo Yên); Chiềng Ken, Nậm Dạng (Văn Bàn); Bản Liền (Bắc Hà); Sán Chải (Si Ma Cai). Phấn đấu 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Quang Kim (Bát Xát), Võ Lao (Văn Bàn), Nghĩa Đô (Bảo Yên), Phú Nhuận (Bảo Thắng), Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai).
Theo báo cáo đánh giá tại hội nghị, tính đến 31/3/2024, tiến độ thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao như sau: Đối với 10 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí (Mường Hoa); 1 xã đạt 17/19 tiêu chí (Vĩnh Yên); 2 xã đạt 15/19 tiêu chí (Chiềng Ken, Bảo Hà); 2 xã đạt 14/19 tiêu chí (Kim Sơn, Bản Liền); 3 xã đạt 13/19 tiêu chí (Cam Cọn, Nậm Dạng, Sán Chải); 1 xã đạt 11/19 tiêu chí (Điện Quan).
Đối với 5 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Phú Nhuận đạt 18/19 tiêu chí; Đồng Tuyển đạt 13/19 tiêu chí; Nghĩa Đô đạt 12/19 tiêu chí; Võ Lao đạt 10/19 tiêu chí và Quang Kim đạt 7/19 tiêu chí.
Nguồn lực đầu tư dự kiến đối với 10 xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới (giai đoạn 2021 - 2025) là trên 519 tỷ đồng, đến hết năm 2023 đã bố trí tổng kinh phí là trên 211, 2 tỷ đồng. Đối với 5 xã phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao (giai đoạn 2021 - 2025), dự kiến kinh phí nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 51,4 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, đã bố trí tổng kinh phí là 32,1 tỷ đồng.
Qua đánh giá, hiện có một số tiêu chí khó triển khai thực hiện như: Tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; chỉ tiêu thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGap hoặc tương đương (thuộc tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn)…
Tại hội nghị, đại biểu các huyện, thị xã đã thảo luận nêu rõ thực trạng, tiến độ thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới tại địa phương; phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện các tiêu chí tại 15 xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024. Đại biểu các địa phương đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành có hướng dẫn, giải pháp giúp các xã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm; đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối, trường học, công trình nước sinh hoạt; tăng nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phát triển mô hình sinh kế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Nhiệm kỳ này, Chương trình xây dựng nông thôn mới đang bị trùng xuống bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan cấp ủy, chính quyền và Nhân dân phải xác định xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị cần duy trì liên tục, để xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Quán triệt tinh thần xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, bền vững cần có nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo, đổi mới; phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và tuyệt đối không chủ quan. Cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, dân chủ trong Nhân dân; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức cho cán bộ, người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt cần phát huy vai trò của tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở nông thôn, nhất là vai trò của chi bộ trong lãnh đạo Nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; chú trọng đến vai trò phản biện xã hội, giám sát quá trình xây dựng nông thôn mới tại cơ sở...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh: Năm 2024 là năm tăng tốc trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cũng như hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, vì vậy đề nghị các sở, ngành, chính quyền các địa phương quyết tâm cao, tập trung bàn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Theo đó cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt các giải pháp trong triển khai xây dựng nông thôn mới, nhất là việc huy động nguồn lực xây dựng; các cơ quan liên quan cần chủ động, vào cuộc sát sao, linh hoạt trong thực hiện các giải pháp để giúp các địa phương thực hiện các tiêu chí như giao thông, trường học, văn hóa, an ninh, trật tự…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng nông thôn mới, có kế hoạch cụ thể, chi tiết, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn; tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Rà soát các tiêu chí còn thấp để có giải pháp phù hợp, phân công cho từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chỉ tiêu nông thôn mới, bảo đảm thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.