Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS năm 2022

Sáng 26/4, Chi cục Dân số-KHHGĐ đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS năm 2022.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Y tế; đại diện các phòng chuyên môn Sở Y tế; lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh; lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các Trung tâm Y tế trong tỉnh.

Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (Đề án 818) được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tổ chức trên 113 cuộc cung cấp thông tin, kiến thức, phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản cho trên 9.800 đối tượng là cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, thực hiện chuyên mục nâng cao chất lượng dân số trên các phương tiện báo chí tỉnh; lồng ghép nội dung tuyên truyền giới thiệu các sản phẩm phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) trong 537 hội nghị cung cấp kiến thức về Dân số/KHHGĐ, chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng dân số cho cho 16.395 người dân.

Năm 2022, với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhóm dân cư có nhu cầu và có khả năng chi trả, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Toàn tỉnh phấn đấu 50% người dân có nhu cầu hiểu biết về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS và tầm quan trọng của việc dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu, được tư vấn và sử dụng biện pháp tránh thai, sản phẩm và dịch vụ phòng ngừa, phát hiện, xử lý nhiễm khuẩn đường sinh sản;

50% người dân có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tình dục; 30% cơ sở y tế công lập có đủ điều kiện tham gia tổ chức cung ứng các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS, dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung; 90% cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, cán bộ quản lý, người tham gia được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các nội dung Đề án, trực tiếp tham gia phân phối sản phẩm và một số hoạt động đã được quy định của Đề án…

Hồng Vân - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-ke-hoach-thuc-hien-de-an-xa-hoi-hoa-cung-cap/d20220425161337122.htm