Triển khai kế hoạch thực Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực
Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ông Nguyễn Hồng Diên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương và ông Phùng Đức Tiến-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội nghị.
Hiệp định RCEP được ký kết bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác mà ASEAN đã ký kết thương mại tự do gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Với sự tham gia của 15 quốc gia thành viên, Hiệp định sẽ tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ dân số (chiếm khoảng 30% dân số thế giới), GDP 26,2 ngàn tỷ USD (khoảng 30% GDP toàn cầu), thương mại 12,7 ngàn tỷ USD (chiếm hơn 25% thương mại hàng hóa dịch vụ toàn cầu), thị phần xuất nhập khẩu 39,51%...
Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định được ký kết vào ngày 15-11-2020 tại Hà Nội và có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Sau khi có hiệu lực, các quốc gia thực hiện các cam kết, trong đó, có cam kết cắt bỏ đối với số dòng thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ khoảng 90,3% số dòng thuế cho các nước ASEAN; 89,6% số dòng thuế cho Úc, New Zealand; 86,7% cho Nhật Bản, Hàn Quốc và 85,6% cho Trung Quốc. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9%-100% số dòng thuế; các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-98,3% số dòng thuế.
Để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định, ngày 4-1-2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-CP về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022-2026. Đến nay, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 05/TT-BCT ngày 18-2-2022 về Quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP và cấp chứng nhận xuất xứ (C/O-rcep) cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là hàng dệt may.
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, doanh nghiệp đã trình bày các tham luận về tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP để thúc đẩy đa dạng hóa và tăng cường xuất khẩu; phương hướng thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may, hàng nông sản sang các thị trường khu vực RCEP; khó khăn, thách thức và giải pháp trong xuất khẩu rau, quả sang thị trường Trung Quốc; thủ tục quản lý xuất-nhập khẩu tại cửa khẩu biên giới. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội cũng như tránh rủi ro khi tham gia Hiệp định.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Những cam kết mạnh mẽ mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, đặc biệt là việc áp dụng một quy tắc xuất xứ chung cho 15 nước sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành chuỗi cung ứng mới trong khu vực và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tạo lập một không gian sản xuất chung và mở ra một siêu thị trường quy mô lớn, ổn định lâu dài cho các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn tất việc ban hành kế hoạch triển khai Hiệp định theo chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo công tác thực thi Hiệp định hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng chuyên sâu giúp các ngành nghề doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu và tham gia sâu hơn các chuỗi giá trị sản xuất trên toàn cầu. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp thiết thực vào phát triển chung của đất nước.
Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để trong thẩm quyền tập trung giải quyết hoặc nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.
Dịp này, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã bàn giao Cổng thông tin Cơ sở Dữ liệu Thương mại Việt Nam (VNTR) cho Bộ Công thương. Theo đó, Cổng thông tin VNTR sẽ được kết nối với cổng thông tin thương mại chung của ASEAN và các cổng thông tin thương mại của 9 nước thành viên khác, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam và các nước thành viên tiếp cận, khai thác các thông tin về các cam kết và ký kết thương mại của Việt Nam một cách chính thống, tin cậy. Qua đó, giúp giảm chi phí, thời gian tìm kiếm thông tin, giảm chi phí kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
HỒNG THƯƠNG