Triển khai Kết luận định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Sáng 3-11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành.
Ngày 14-10-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là một chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp trong nhiệm kỳ này. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã nhanh chóng hoàn thiện Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV để triển khai thực hiện. Tại Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, Đảng đoàn Quốc hội đề xuất 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể cần tập trung thực hiện, 137 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu quán triệt tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng-Thường trực Ban Bí thư-nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng, ban hành luật, phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; không được lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp…
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo tổng quan về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị; tham luận về dự kiến kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án; các giải pháp bảo đảm thực hiện Đề án, cũng như các tham luận khác của một số cơ quan Trung ương, địa phương…
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa rất lớn mà Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị mang lại. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị cho định hướng xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ, tạo định hướng rất quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng pháp luật hàng năm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp. Tiếp tục tìm tòi, đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định. Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra việc lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…