Triển khai Luật Trồng trọt, doanh nghiệp vẫn lấn cấn thủ tục gia hạn giống cây
Ngày 14/12, Cục Trồng trọt phối hợp với Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai Luật Trồng trọt và một số văn bản hướng dẫn của Luật.
Hội thảo cũng xin ý kiến Dự thảo Sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn Quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng đối với giống lúa.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục Trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông tại kỳ họp thứ 6 ngày 19/10/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 thay thế cho Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004, đã tạo khung pháp lý cao nhất và là cơ sở quản lý nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt. Tuy nhiên, khi chuyển đổi cơ chế quản lý sẽ có những vướng mắc từ hệ thống pháp luật cũ và mới không đồng nhất do chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng giữa các đơn vị.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm sớm điều chỉnh để triển khai thực hiện các quy định của Luật trồng trọt được thuận lợi, khả thi, hợp lý.
Hạn cuối đến 31/12/2022, các doanh nghiệp có giống cây trồng phải gia hạn công nhận (khi hết thời hạn 10 năm đối với cây hàng năm) theo quy định của Luật Trồng trọt. Tuy nhiên hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn, vướng mắc.
Cụ thể, đối với các giống mà doanh nghiệp chưa tiến hành gia hạn theo thời hạn trước 31/12, tới đây sẽ xử lý ra sao, có được phép sản xuất kinh doanh tiếp nữa không? Cơ quan quản lý sẽ có cơ chế nào để các doanh nghiệp đang trong thời gian triển khai gia hạn tiếp tục được hoàn tất việc này?
Việc tiến hành công nhận lại đối với các giống trước đây đã được công nhận là không cần thiết. Thủ tục công nhận lại giống cũng phức tạp, tốn kém… Liên quan tới vấn đề công nhận lại đối với các giống lúa đã được xã hội hóa (giống "toàn dân"), nếu sau 31/12/2022, các giống “toàn dân” này vẫn chưa thể hoàn tất được việc đăng ký gia hạn công nhận lưu hành thì phương hướng xử lý của Cục Trồng trọt ra sao?
Về sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm giống lúa, các đơn vị/doanh nghiệp cho rằng, Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quy định về khảo nghiệm giống cây trồng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cho doanh nghiệp, các tiêu chuẩn khó áp dụng...
Nêu quan điểm và những giải pháp cụ thể nào nhằm tháo gỡ vấn đề này, Cục Trồng trọt cho biết: Để thực thi Luật Trồng trọt, năm 2021, Cục Trồng trọt đã tổ chức xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13381-1:2021 “Giống cây trồng nông nghiệp – Khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng. Phần 1: Giống lúa”.
Trong quá trình triển khai áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia trên, thực tế đã phát sinh khó khăn, vướng mắc đối với việc công nhận lưu hành giống cây trồng, đặc biệt là việc gia hạn quyết định công nhận lưu hành đối với các giống đã được cấp quyết định công nhận giống cây trồng mới trước khi Luật Trồng trọt có hiệu lực; một số tiêu chuẩn quá chặt chẽ, khó áp dụng.
Cục Trồng trọt cũng đã nhận được một số ý kiến phản ánh về vấn đề trên. Để kịp thời chỉnh sửa bổ sung Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13381-1:2021 phù hợp hơn với yêu cầu thực tế sản xuất, Cục Trồng trọt đã đề xuất và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý và đưa vào kế hoạch sửa đổi bổ sung Tiêu chuẩn.
Hiện nay, bản Dự thảo Sửa đổi bổ sung TCVN Giống cây trồng nông nghiệp – Khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng. Phần 1: Giống lúa đã được xin ý kiến một số nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chuyên gia...
Dự thảo cũng đã được đăng tải trên website của Cục Trồng trọt và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình các cấp có thẩm quyền ban hành.