Triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Sáng 30-7, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.

Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt các nội dung chính, điểm mới và tình hình công tác chuẩn bị, triển khai thi hành, thực thi các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV gồm: Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27-6-2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và việc chuẩn bị nguồn lực cho công tác triển khai thi hành - Đề xuất, kiến nghị, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm; để từ đó kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng kịp thời, xử lý trách nhiệm bảo đảm rõ ràng, công minh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện phương châm “5 đẩy mạnh” để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển gồm đẩy mạnh: xây dựng luật bảo đảm tiến độ đề ra; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật. Cùng với đó, rà soát hệ thống quy phạm pháp luật; cơ chế phân cấp phân quyền hợp lý, phù hợp, khả thi, có hiệu quả các cơ quan trong hệ thống chính trị và tổ chức thực hiện pháp luật; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết, dân hiểu, dân làm và dân hưởng ứng. Đồng thời, các địa phương sớm rà soát những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, tổng hợp gửi về Chính phủ để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban hành quy định phù hợp với thực tiễn. HĐND và UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; chủ động xử lý các phát sinh theo quy định của pháp luật tại địa phương…

Báo cáo của Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 60 luật, nghị quyết quy phạm; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khoảng 470 nghị định, quyết định quy phạm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 dự án luật, dự thảo, đề nghị xây dựng luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định quy phạm pháp luật; đồng thời, Chính phủ đã ban hành 131 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 quyết định cá biệt, 19 chỉ thị, 64 công điện và 8.398 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan...

B.T – T.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/trien-khai-mot-so-luat-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-khoa-xv-post298891.html