Triển khai nhanh các công trình giao thông trọng điểm, tạo đà, tạo lực cho đất nước phát triển

Sáng 10/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 17 Ban Chỉ đạo Nhà nước các Công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 17 Ban Chỉ đạo Nhà nước các Công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở 49 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có các dự án giao thông trọng điểm đi qua.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang tích cực đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng cũng xác định các đột phá chiến lược trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông đường bộ. Việc phát triển hạ tầng đường bộ rất quan trọng, phát triển đến đâu mở ra không gian phát triển mới, khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp, giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào sản phẩm, tạo sự cạnh tranh tốt hơn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đảng ta luôn xác định từ Đại hội lần thứ XI của Đảng đến nay, phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm là nhiệm vụ chiến lược.

Thủ tướng cho biết, nhiệm kỳ này, chúng ta đã giảm số lượng các dự án đầu tư để tập trung nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước để chỉ đạo việc này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Vừa qua, các tỉnh, thành phố tiếp tục đề xuất xây dựng các tuyến cao tốc, cầu, phát triển đường sắt… Do đó, công việc, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo không những giảm đi mà còn tăng lên nhiều, tuy nhiên, chúng ta phải bám sát các tiến độ, yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị để triển khai hiệu quả, nhất là thời gian qua.

Ngoài ý nghĩa của vấn đề hạ tầng chiến lược về giao thông, còn có ý nghĩa xã hội khác vì giao thông là mạch máu cho phát triển đất nước; đặc biệt là kết nối các vùng, kết nối quốc tế, tạo việc làm, giải quyết ách tách giao thông hiện nay, làm cho kết nối con người với con người thuận lợi hơn, tạo không gian thuận lợi cho phát triển đất nước.

Tới đây, chúng ta phải đẩy mạnh việc này hơn nữa vì các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư đang gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu. Vì vậy, chúng ta phải đẩy mạnh các động lực khác để bù lại, trong đó có đầu tư, nhất là đầu tư công. Trong đầu tư công, đầu tư về giao thông chiếm tỷ trọng cao, do đó nếu thúc đẩy các công trình giao thông trọng điểm sẽ thúc đẩy đầu tư công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành, chỉ đạo phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành, chỉ đạo phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng yêu cầu rà soát các công trình trọng điểm để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng nêu rõ, vừa qua, chúng ta đã đồng loạt khởi công và khánh thành 80 công trình trọng điểm dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, làm cho nhân dân hết sức phấn khởi, hồ hởi, tạo hiệu ứng, phong trào để triển khai 3 đột phá chiến lược. Chúng ta phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao vì tăng trưởng tạo sự phát triển của đất nước, thu nhập bình quân đầu người nâng lên, có nguồn lực bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần tăng năng suất lao động tổng hợp.

Trong xu thế hiện nay, tăng trưởng kinh tế ở các nước đều giảm trong khi chúng ta quyết tâm đạt tăng trưởng cao, điều này đòi hỏi sự cố gắng, quan tâm thực sự; “nói phải đi đôi với làm”, nhân dân đang hết sức mong chờ các công trình đi vào hoạt động, do đó, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm thực sự, đầu tư công sức thực sự, tránh bệnh hình thức, bệnh diễn trong khi làm rất dở; công việc phải đạt kết quả tốt. Điều này cũng là một tiêu chí để đánh giá cán bộ. Các quy định về đầu tư công cũng đề cập rõ việc này.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo Ban Chỉ đạo những lãnh đạo các địa phương không hoàn thành nhiệm vụ, từ đó xem xét không bố trí vào các chức vụ trong bối cảnh tinh giản hiện nay.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng yêu cầu phiên họp cần đánh giá sâu hơn về triển khai dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, quyết tâm khởi công tuyến đường sắt này trong năm nay. "Chỉ bàn làm, không bàn lùi"; rà soát lại các tuyến đường phải hoàn thành trong năm nay theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó mục tiêu 3.000km, 1.000km đường ven biển có hoàn thành không.

Đặc biệt, gần đây nhất, các Nghị quyết liên quan dự án đường sắt của Trung ương, Quốc hội Chính phủ xem có vướng mắc ở đâu. Kinh nghiệm cho thấy những năm qua do điều hành, do cơ chế dẫn đến thiếu vật liệu xây dựng trong khi thực tế không thiếu. Phải thúc đẩy các tuyến đường sắt khác kết nối Trung Quốc như Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hải Phòng kết nối Trung Quốc và châu Âu.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khánh thành và khởi công 80 công trình trọng điểm vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, do đó phải chuẩn bị sớm, quyết tâm tổ chức sự kiện vào ngày 19/8 tới để chào mừng sự kiện này; đồng thời chuẩn bị khánh thành, khởi công các công trình trọng điểm vào ngày 19/12 để chào mừng Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Các tỉnh, thành phố phải tích cực chuẩn bị sự kiện này để tạo khí thế, động lực, niềm tin cho phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, dự án hoàn thành sớm đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung báo cáo về các vướng mắc như giải phóng mặt bằng, tình hình thi công các dự án.

Thủ tướng cũng nêu rõ việc kết nối giao thông với Lào đang nổi lên rất bức xúc, đã giao Nghệ An làm chủ đầu tư tuyến đường kết nối với Lào.

Thủ tướng gợi ý quân đội nghiên cứu khả năng đầu tư tuyến đường kết nối từ cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) tới Thủ đô Viêng Chăn.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường, tăng cường phân cấp, phân quyền, lãnh đạo địa phương phải năng động, sáng tạo, "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các thủ tục về khai thác vật liệu, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển mục đích sử dụng rừng; các thành viên Ban Chỉ đạo; các Ban quản lý dự án, nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm để tích cực tháo gỡ vướng mắc, giải ngân tốt hơn, công trình đạt chất lượng tốt hơn…

* Bộ Xây dựng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 15/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt trong đó tách các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt khỏi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo). Do đó, đến nay các dự án thuộc Ban Chỉ đạo gồm 37 dự án/95 dự án thành phần trong đó có 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng không (Bộ Xây dựng 12 dự án/33 dự án thành phần; các địa phương 23 dự án/57 dự án thành phần; các cơ quan khác 2 dự án/5 dự án thành phần).

Kể từ khi thành lập, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì họp 16 phiên và đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tiến độ các dự án.

Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao, đến nay nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, tiến độ thi công các dự án chuyển biến rõ rệt, đặc biệt 19 dự án/dự án thành phần đã đưa vào khai thác, trong đó nổi bật như hoàn thành đưa vào khai thác 16 tuyến cao tốc nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ 1.327km lên 2.268km, đưa vào khai thác tuyến đường kết nối và Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đang triển khai thi công 52 dự án/dự án thành phần cơ bản bám sát tiến độ đề ra.

Tại phiên họp lần thứ 16 ngày 9/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao 33 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 26 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, trong đó có một số nhiệm vụ quan trọng:

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát các quy định pháp luật về khoáng sản chưa phù hợp thực tiễn và làm việc với các địa phương để hướng dẫn: Về thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cung ứng vật liệu cho các dự án; về bồi thường với vật nuôi cây trồng theo quy định tại Điều 103 Luật đất đai 2024; về điều chuyển mỏ vật liệu cấp theo cơ chế đặc thù đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác sang các dự án khác; đã hướng dẫn tỉnh Đắk Lắk về hoàn trả bãi đổ thải vật liệu thừa tạm thời; đã rà soát thủ tục để thu hồi vật liệu bồi lắng hồ Dầu Tiếng.

Bộ Tài chính đã hoàn thành thẩm định/thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa-Vũng Tàu; đã hướng dẫn tỉnh Lạng Sơn về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hữu Nghị-Chi Lăng; đã trình Thủ tướng Chính phủ việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn, phương án bố trí bổ sung vốn cho các dự án trọng điểm; đang hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9.

Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc di dời các công trình lưới điện bị ảnh hưởng bởi các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động cung ứng cát phục vụ thi công một số dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương sử dụng các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa-Vũng Tàu; đã phối hợp với các cơ quan chủ quản để tổ chức lễ khởi công, khánh thành 80 dự án vào ngày 19/4/2025, trong đó đã đưa vào khai thác 208km cao tốc bắc-nam phía Đông đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Bùng-Vạn Ninh và Vân Phong-Nha Trang, 19km Bến Lức-Long Thành phục vụ nhân dân dịp lễ 30/4/2025; thông xe 10km đoạn Biên Hòa-Vũng Tàu.

Ngoài ra, các cơ quan đang tích cực triển khai 2 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 5 nhiệm vụ chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trien-khai-nhanh-cac-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-tao-da-tao-luc-cho-dat-nuoc-phat-trien-post878697.html