Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo 138/CP và 389 quốc gia
PTĐT - Ngày 7/1/2021, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia chủ trì hội nghị.Chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên BCĐ 138 và BCĐ 389 tỉnh.Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực. Mặc dù Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch Covid -19 song dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trước tình hình đó, BCĐ 138/CP đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ để bảo vệ an ninh, trật tự. Công tác phòng chống tội phạm đạt được nhiều thành tích nổi bật. Trong đó, tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,8% (vượt chỉ tiêu kế hoạch 1,8%); trộm cắp giảm 9,86%; cướp tài sản giảm 9,99%. Tỷ lệ giải quyết tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 89,5%. Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 83,5%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%; triệt phá 1.860 băng, nhóm tội phạm các loại. Phát hiện và điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buon lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy… Nhiều vấn đề phức tạp về tội phạm đã được giải quyết tốt tạo chuyển biến căn bản về an ninh quốc gia, đảm bảo tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tại tỉnh Phú Thọ, BCĐ 389 tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ389/QG để xây dựng, ban hành, triển khai các văn bản chỉ đạo, kế hoạch về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo các ngành chức năng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác chống vận chuyển bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại; xây dựng và triển khai các quy chế phối hợp, thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các chuyên đề như: Made in Vietnam, thuốc lá nhập khẩu, xăng dầu…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện một số bộ, ngành, đơn vị, địa phương thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và làm rõ những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đề xuất một số giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả của các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương và cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2020. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2021 là năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng và dự báo tình hình tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bức xúc xã hội. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương phải làm rõ vai trò, trách nhiệm thực thi công vụ, đề cao vai trò của người đứng đầu; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác ngăn chặn, phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt là các nhóm hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình của Trung ương về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân cùng chung tay với các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm; tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tào chính, khoa học, kỹ thuật phục vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.