Triển khai nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang

Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung các giải pháp để hạn chế những rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh thương mại thế giới đang có những diễn biến phức tạp.

Chiều 11-2, trước những diễn biến của thị trường Châu Âu - Châu Mỹ trong hai tháng đầu năm 2025, Bộ Công Thương cho biết đã có những giải pháp để hạn chế rủi ro, đồng thời có những khuyến nghị tới doanh nghiệp.

Sẽ triển khai nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro, thúc đẩy xuất khẩu

Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, Bộ đã chỉ đạo các Vụ thị trường nước ngoài, hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát, nắm bắt thông tin diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam.

Qua đó nhằm kịp thời tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp; đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.

 Tình hình thị trường thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Mới nhất, Mỹ đã tuyên bố áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu: Ảnh minh họa.

Tình hình thị trường thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Mới nhất, Mỹ đã tuyên bố áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu: Ảnh minh họa.

Bộ này cũng cho hay, trong thời gian tới đây sẽ tập trung các giải pháp để hạn chế những rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 Hiệp định thương mại tự do và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép thiết lập mới, tăng cường sự hiện diện của các đại diện thương mại Việt Nam tại các thị trường tiềm năng, nhằm phục vụ phát triển hoạt động ngoại thương của đất nước, hỗ trợ bảo vệ lợi ích kinh tế, thương mại của Việt Nam, thương nhân Việt Nam trong hoạt động ngoại thương” - Bộ Công Thương chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam. Từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Bộ cũng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trong việc đẩy mạnh việc thực hiện Đề án của Chính phủ về “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tranh thủ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế, cũng như lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng cường giám sát cấp phép các dự án đầu tư mới, sàng lọc nghiêm ngặt vốn đầu tư nước ngoài để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ của nước thứ ba…” - Bộ Công Thương nêu giải pháp.

Ngoài ra, Bộ cũng triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng cụ thể, sát theo từng thị trường và ngành hàng. Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong các hoạt động xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới. Triển khai mạnh mẽ cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đối với người Việt ở trong nước và với Kiều bào ta ở nước ngoài.

Doanh nghiệp cần thận trọng hợp tác với đối tác đang căng thẳng thương mại với Mỹ

Đối với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương đánh giá, về quan hệ kinh tế, thương mại, hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ. Cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.

 Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro, thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro, thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương

Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Mỹ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá trụ cột kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Mỹ.

Các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương (nếu có) sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA). Đây là cơ chế đang được duy trì thường xuyên, liên tục và hiệu lực, hiệu quả, ở tất cả các cấp nhằm củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia, kiến tạo tầm nhìn chung, góp phần định hướng dài hạn và ổn định lộ trình phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

Để tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động và khó khăn, ngoài nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng các Bộ ban ngành, còn phải dựa vào sự nhạy bén, chủ động bám sát thị trường và khả năng thích ứng, tìm tòi và phát triển năng lực cạnh tranh của bản thân các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường....

Bên cạnh đó cần chú trọng việc kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Thương mại thế giới đang nổi lên ba xu hướng

Bộ Công Thương phân tích, thời gian gần đây, thương mại thế giới nổi lên ba xu hướng rõ rệt. Một là xu hướng “phi toàn cầu hóa” hay phân mảnh trong thương mại quốc tế khiến cho các công cụ thuế quan được sử dụng trở lại.

Hai là bảo hộ thị trường thông qua các biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại hay các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ba là các động thái chính sách khó đoán định khiến chuỗi cung ứng và sản xuất bị xáo trộn, tổn thương, thậm chí đứt gãy. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng...

“Những diễn biến trên thị trường quốc tế từ đầu năm 2025 đến nay càng phản ánh rõ ràng những xu hướng trên và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đà hồi phục của thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực thị trường Âu - Mỹ vốn là địa bàn xuất nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam” - Bộ Công Thương đánh giá.

Gần đây nhất, đầu tháng 2-2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành áp thuế quan bổ sung 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và và Mexico; 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Canada và Mexico ngay sau đó đã tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ và tạm thời được miễn trừ mức thuế nhập khẩu trong vòng 1 tháng.

Tuy nhiên mức thuế và thời hạn áp dụng vẫn được giữ nguyên đối với Trung Quốc dẫn tới việc Trung Quốc áp thuế trả đũa và hạn chế xuất khẩu nhiều loại khoáng sản quan trọng tới Hoa Kỳ.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/trien-khai-nhieu-giai-phap-de-han-che-rui-ro-khi-cang-thang-thuong-mai-toan-cau-leo-thang-post833821.html