Triển khai nhiều giải pháp làm chuyển biến từ nhận thức đến hành vi của ngư dân
Qua những lần kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) và các cấp về phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có sự chuyển biến tích cực. Song trên thực tế, đến nay, vẫn còn có những hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU.... Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Trần Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi để hiểu rõ hơn kết quả phòng, chống khai thác IUU của BĐBP Quảng Ngãi.
- Theo dự kiến, trong tháng 6/2024, đoàn công tác của EC sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra về phòng, chống khai thác IUU. Vậy Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa đồng chí?
- Quảng Ngãi là tỉnh Nam Trung Bộ với bờ biển dài hơn 131km, vì thế, Quảng Ngãi có đội ngũ tàu khai thác hải sản trên biển khá lớn gồm 4.242 phương tiện (trong đó, có 1.743 phương tiện thường xuyên đánh bắt xa bờ). Xác định phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục “thẻ vàng” của EC, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Theo đó, chúng tôi phân loại, theo dõi, giám sát và quản lý chặt chẽ các trường hợp tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng điều tra các đường dây, đối tượng nghi vấn liên quan đến việc đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý vùng biển được phân công. Cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định; tập trung vào tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.
Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, giữ liên lạc với các tàu cá đánh bắt xa bờ, lưu lại trên biển dài ngày, nắm chắc mọi hoạt động của chủ phương tiện để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, liên lạc, kêu gọi, thông báo cho chủ phương tiện để kịp thời dừng hải trình và hành vi vi phạm, đồng thời nhắc nhở, xử lý những chủ phương tiện không duy trì thường xuyên thiết bị giám sát hành trình.
- Với những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất trong phòng, chống khai thác IUU nói trên, đơn vị đã đạt được kết quả như thế nào?
- BĐBP Quảng Ngãi luôn xác định, phòng chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng mà chủ thể chính là những ngư dân ngày ngày bám biển để đánh bắt thủy hải sản. Vì thế, đơn vị đã tham mưu cho địa phương thành lập được 97 “Tổ tàu thuyền tự quản” với 931 phương tiện/7.547 thành viên. Tính đến thời điểm tháng 5/2024, đơn vị đã vận động được 2.947 phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 95,10%.
Bên cạnh đó, với quyết tâm phòng, chống khai thác IUU có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, BĐBP tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 132/KH-BCH ngày 15/1/2024 về việc thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU. Sau 5 tháng triển khai thực hiện, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng, sở, ngành chức năng của tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 tổ chức 41 buổi cho 2.250 lượt ngư dân về các quy định của pháp luật về khai thác IUU, cấp phát 1.343 tờ rơi, tặng 3.500 móc khóa đường dây nóng, 3.500 cờ Tổ quốc cho ngư dân...; Phối hợp với các cơ quan báo, đài đăng, phát sóng hàng trăm tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng và Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương về công tác chống khai thác IUU của BĐBP tỉnh. Xử phạt 12 vụ/12 đối tượng với số tiền 219 triệu đồng và tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 4,5 tháng đối với 7 thuyền trưởng, theo Nghị định số 42.
- Việc thay đổi nhận thức, hành vi của ngư dân được cho là có ý nghĩa quan trọng nhất trong công tác phòng, chống khai thác IUU. BĐBP Quảng Ngãi đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vấn đề này cho ngư dân như thế nào?
- Xác định ngư dân là chủ thể của việc chấp hành pháp luật trên biển và nhận thức, hành vi của họ có ý nghĩa tiên quyết để chấm dứt tình trạng khai thác IUU, chính vì thế, BĐBP Quảng Ngãi đã thường xuyên, kiên trì tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân với nội dung và phương pháp phù hợp. Cụ thể, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ tàu thuyền an toàn trên biển, tổ chức cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giáo dục, răn đe cho ngư dân.
Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động “Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển”, phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức trao 372 suất quà trị giá 302 triệu đồng, tặng 6.500 lá cờ Tổ quốc, 1.200 ảnh Bác Hồ, 8 máy điện thoại di động và hàng nghìn móc khóa in số điện thoại đường dây nóng cho ngư dân, nhân dân khu vực biên giới biển để người dân có thể gọi 24/24 giờ, cung cấp, trao đổi mọi thông tin liên quan đến chủ quyền biển, đảo, an ninh trật tự trên địa bàn cho lực lượng chức năng. Kịp thời cứu hộ, cứu nạn để ngư dân luôn cảm thấy yên tâm khi đánh bắt hải sản trên biển.
- Để góp phần vào việc gỡ “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản, thời gian tới, BĐBP Quảng Ngãi sẽ chú trọng vào những giải pháp nào, nhất là đối với những phương tiện đánh bắt xa bờ, thưa đồng chí?
- Để đạt được mục tiêu gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản Việt Nam, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân về các quy định chống khai thác IUU để ngư dân khi lao động, sản xuất trên biển không vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, chủ động nắm tình hình, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển bằng các thiết bị giám sát hành trình. Kiên quyết không cho xuất bến đối với những phương tiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Điều tra, xử lý nghiêm khắc bằng các chế tài mạnh mẽ những trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động khai thác IUU để răn đe, giáo dục. Mặt khác, thường xuyên tổ chức các hoạt động đồng hành cùng ngư dân, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để những người đi biển thực sự an tâm vì bên cạnh họ luôn có BĐBP cùng đồng hành.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Mai (thực hiện)