Triển khai phòng chống hạn cao điểm mùa khô năm 2025
Trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2025, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh An Giang được dự báo sẽ bị hạn hán, thiếu nước cục, bộ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
![Trạm bơm 3/2 giúp đảm bảo sản xuất trong mùa khô cho người dân vùng biên giới thị xã Tịnh Biên (An Giang).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51468312/d8a28572b43c5d62042d.jpg)
Trạm bơm 3/2 giúp đảm bảo sản xuất trong mùa khô cho người dân vùng biên giới thị xã Tịnh Biên (An Giang).
Tỉnh An Giang đang tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống khô hạn, bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp.
Theo dự báo, khô hạn có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân một huyện trên địa bàn An Giang từ tháng 3 đến tháng 4/2024. Theo đó, trong cao điểm mùa khô, mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng kéo dài khiến một số vùng núi và đồng bằng ở các huyện như: Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Phú Tân,... sẽ gặp khó khăn trong công tác bơm tưới, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một số khu vực trên địa bàn huyện An Phú, Phú Tân hiện đang sử dụng nước mưa, giếng, kênh rạch không tập trung sẽ thiếu nước sinh hoạt do các khu vực này chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt. Đặc biệt, trong mùa khô, nhiều hộ dân sinh sống ở vùng cao ven các đồi núi, vùng đồng bằng 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và một số huyện, thị khác có khả năng thiêu nước sinh hoạt cục bộ do nguồn nước từ các giếng, suối và nguồn nước dự trữ không đảm bảo sử dụng.
![Trạm bơm 3/2 đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô cho người dân vùng biên giới thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51468312/b3d3ed03dc4d35136c5c.jpg)
Trạm bơm 3/2 đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô cho người dân vùng biên giới thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Dự báo độ mặn khu vực cửa sông thuộc tỉnh Kiên Giang có xu thế giảm chậm trong những ngày đầu tháng 2/2025. Trong những ngày giữa tháng 2/2025 độ mặn có thể tăng cao trở lại. Dự báo trong những ngày giữa tháng 2/2025 độ mặn trong các kênh, rạch vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang tại hai huyện Tri Tôn và Thoại Sơn (An Giang) tiếp tục lên chậm, độ mặn cao nhất dao động ở mức 0,1 - 0,2%. Trong trường hợp bất thường, mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập vào sâu trong nội đồng nhiều khu vực huyện Thoại Sơn (An Giang) có khả năng sẽ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Hiện tỉnh An Giang có khoảng 126 công trình như: kênh, cống, trạm bơm có khả năng ảnh hưởng về nguồn nước do mực nước xuống thấp. Trong đó, có 60 công trình kênh trữ nước với chiều dài nạo vét 146.588 m cần nạo vét; 30 công trình cống trữ nước phục vụ tưới tiêu cho khoảng 7.646 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và 36 trạm bơm phục vụ tưới phục vụ bơm tới cho khảng 2.890 ha sản xuất.
Để phòng, chống khô hạn, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi mực nước tại các kênh giáp ranh Kiên Giang, các nguồn lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt để chủ động vận hành công trình cấp nước hợp lý. Đồng thời, tỉnh An Giang sẽ phối hợp với tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thông thủy lợi trong vùng Tứ Giác Long Xuyên phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho khu vực An Giang. Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2025, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các huyện và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống khô hạn, bảo vệ sản xuất với diện tích gieo trồng lúa, màu trên trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng - Chi cục Thủy Lợi tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước trên các sông, kênh rạch, nhất là khu vực miền núi, vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang đảm bảo cấp đủ nước ngọt cho sinh hoạt và phục vụ tốt cho sản xuất cho người dân. Đồng thời, triển khai nạo vét các công trình kênh mương bị cạn kiệt, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất và nước sinh hoạt của người dân.
![Một dòng kênh dẫn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51468312/493a2bea1aa4f3faaab5.jpg)
Một dòng kênh dẫn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Theo ông Khanh: Tỉnh An Giang cũng yêu cầu 2 huyện giáp ranh với tỉnh Kiên Giang là Thoại Sơn và Tri Tôn phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi độ mặn của tỉnh Kiên Giang và khu vực giáp ranh để chuẩn bị phương án bảo vệ sản xuất và cấp nước ngọt cho dân sinh hoạt. Đối với vùng cao huyện Tri Tôn, Tịnh Biên khi bị thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất cần phải tổ chức cấp, chuyển nước đảm bảo đủ sinh hoạt cho người dân; tăng cường trữ nước cho các hồ chứa hỗ trợ cấp nước sinh hoạt và phục vụ tưới chông hạn cho sản xuất nông nghiệp.
Để phòng, chống khô hạn cho các huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang sẽ tập trung hoàn thiện các dự án thủy lợi vùng cao phục vụ tích trữ nước. Trong đó tỉnh sẽ tận đầu tư xây dựng mới thêm 3 hồ chứa nước Núi Dài 2, Cô Tô (huyện Tri Tôn) và hồ Tà Lọt (Tịnh Biên) với dung tích 1,07 triệu m3 và 1 trạm bơm Văn Giáo (Tịnh Biên) phục vụ sản xuất cho 1.700 ha và cung cấp nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh An Giang cũng tập trung nạo vét khơi thông dòng chảy kênh bị cạn kiệt đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sản xuất; rà soát kiểm tra các hệ thống trạm bơm điện, chủ động tu bổ, sửa chữa các sự cố hư hỏng, theo dõi mực nước thủy triều để lấy nước phục vụ bơm tưới cho những vùng bị thiếu nước cục bộ đảm bảo sản xuất nông nghiệp…