Triển khai phong trào 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số'

Kế hoạch triển khai phong trào thi đua 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số' nêu rõ cần đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và mô hình hoạt động, điều hành từ 'truyền thống' sang không gian số dựa trên dữ liệu số.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14.5.2025 ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KH-CN-ĐMST

Kế hoạch nhằm phát huy truyền thống yêu nước, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH-CN-ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia. Điều này nhằm đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh và hùng cường, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Điều này cũng nhằm khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh, với quan điểm "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KH-CN-ĐMST và chuyển đổi số quốc gia".

Kế hoạch nêu rõ cần thi đua nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, chuyển đổi số, phát triển KH-CN-ĐMST; đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và mô hình hoạt động, điều hành từ "truyền thống" sang không gian số dựa trên dữ liệu số.

Gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của phát triển KH-CN-ĐMST, chuyển đổi số với các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp các ngành.

Ban hành kế hoạch triển khai phong trào “cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Ban hành kế hoạch triển khai phong trào “cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Thi đua phát triển hạ tầng cho phát triển KH-CN-ĐMST, chuyển đổi số, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí".

Thi đua đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KH-CN-ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát triển chính phủ số, đẩy mạnh ứng dụng số trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quản lý nhà nước trên môi trường số từ trung ương đến địa phương; kết nối và vận hành thông suốt các cơ quan trong hệ thống chính trị, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Thi đua phát triển kinh tế số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp KH-CN và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thúc đẩy hoạt động KH-CN-ĐMST và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Về phát triển xã hội số, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KH-CN-ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. Triển khai sâu rộng phong trào "bình dân học vụ số", tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số trong nhân dân, chuẩn bị đồng bộ mọi nguồn lực để phát triển xã hội số.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh thi đua bảo đảm quốc phòng và an ninh, an toàn, an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KH-CN-ĐMST, chuyển đổi số, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử và các lĩnh vực công nghệ chiến lược khác.

Căn cứ kết quả thực hiện phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân, các bộ ngành, địa phương thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Triển khai 2 giai đoạn

Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2025 đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 2025 - 2027): Các bộ ngành, địa phương xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào, các tiêu chí thi đua phù hợp trong quý 2/2025; tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực; tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm ở cấp bộ, ngành, địa phương và cấp trung ương vào năm 2027 để triển khai giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2 (từ 2027 - 2030): Trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện giai đoạn 1, Bộ Nội vụ chủ trì, tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030.

Các bộ ngành, địa phương căn cứ kế hoạch này và đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ để phát động, triển khai phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao hơn nữa trong hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng KH-CN-ĐMST và chuyển đổi số; khuyến khích phát động, triển khai phong trào thi đua hằng năm, gắn với các phong trào thi đua khác của bộ ngành, địa phương.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trien-khai-phong-trao-ca-nuoc-thi-dua-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-232584.html