Đại tướng Phan Văn Giang: Cán bộ, viên chức sẽ được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết dự Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc quy định ba nhóm đối tượng được cử tham gia lực lượng, trong đó có nhóm cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Chiều 14-5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình bày trước Quốc hội về tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc.
Bổ sung cán bộ Nhà nước tham gia lực lượng GGHB
Dự thảo Luật gồm 4 Chương, 26 Điều, điều chỉnh ba nhóm đối tượng được cử tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc.
Cụ thể, Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an.
Nhóm thứ hai là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Đây cũng là nhóm đối tượng được bổ sung tại dự thảo luật lần này.
Nhóm ba là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Ảnh: QH
Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với đối tượng dân sự tại quy định về lĩnh vực tham gia, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho hay dự thảo Luật bổ sung nội dung “Chuyên gia dân sự, hoạch định chính sách, y tế, luật pháp, tài chính".
Một trong những điểm mới của dự luật liên quan đến hợp tác quốc tế về tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết Nghị quyết 130/2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc chưa có quy định về hợp tác quốc tế trong hoạt động GGHB Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, việc hợp tác quốc tế đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan, như hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng; trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức hợp tác huấn luyện...
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của quốc tế về lĩnh vực GGHB Liên hợp quốc trên 20 triệu USD, dưới các hình thức hỗ trợ như hỗ trợ đào tạo tiếng Anh; tập huấn nghiệp vụ; vận chuyển con người và trang bị sang phái bộ và đón lực lượng hoàn thành nhiệm vụ về nước…
“Việc bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GGHB Liên hợp quốc tại dự thảo Luật sẽ tạo căn cứ pháp lý rõ ràng hơn, xác định rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GGHB Liên hợp quốc. Góp phần thúc đẩy hỗ trợ kinh tế, tăng cường lòng tin và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước và cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” – Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Một quy định mới khác so với Nghị quyết 130/2020 là dự luật đã các hành vi bị nghiêm cấm trong tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc. Theo đó, lực lượng này là đại diện cho Việt Nam tham gia các hoạt động bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
“Do đó, cần thiết có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc vì an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế” – theo Bộ trưởng Quốc phòng.
Về chế độ, chính sách, dự thảo Luật đã chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung theo hướng ngoài hưởng chế độ tiền lương, các cá nhân, đơn vị tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc còn được hưởng phụ cấp và các chế độ, chính sách khác theo quy định của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới. Ảnh: QH
Đề xuất bổ sung chế độ với người bị bệnh sau khi kết thúc nhiệm vụ
Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới, cho biết Ủy ban này nhất trí sự cần thiết ban hành dự Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB của Liên hợp quốc.
Việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia GGHB của Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc; đồng thời, là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp…
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị bệnh sau khi kết thúc nhiệm vụ, được xác định nguyên nhân do quá trình thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc gây ra.
Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách mang tính ưu tiên, khuyến khích đối với lực lượng là nữ giới tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc; đề nghị bổ sung quy định về hình thức, hiện vật khen thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tham gia hoạt động GGHB…
“Cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện” - Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đề nghị.
Từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã tham gia đóng góp nghĩa vụ tài chính hằng năm cho hoạt động GGHB Liên hợp quốc, đồng thời tổ chức nhiều chuyến khảo sát phái bộ GGHB Liên hợp quốc cũng như tại Trụ sở Liên hợp quốc.
Tháng 6-2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc.
Đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 13 sĩ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ EUTM-RCA (Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi) và Trụ sở Liên hợp quốc.