Triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cao điểm năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 49/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế trọng điểm thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và các năm tiếp theo.

Đảm bảo an toàn cung ứng điện trong cao điểm năm 2025.
Đây là bước đi then chốt trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến tăng trưởng mạnh, với công suất cực đại toàn quốc năm 2025 có thể đạt hơn 54.500 MW, tăng 11,3% so với năm 2024.
Công điện nhấn mạnh, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo ngay từ đầu năm, thể hiện qua Chỉ thị số 01/CT-TTg ban hành ngày 3/1/2025, yêu cầu chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Ngày 15/4/2025, Thủ tướng cũng đã ký Quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, một trong những chiến lược quan trọng giúp phát triển điện lực quốc gia đến năm 2050.
Theo chỉ đạo, Bộ Công Thương cần khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trước ngày 10/5/2025. Bộ này sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ trong việc đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt. Các nhà máy thủy điện phải tích nước tối đa để sẵn sàng phát điện trong các tháng cao điểm (5, 6, 7), trong khi các nhà máy nhiệt điện cần chủ động nguồn than và khí, thực hiện bảo dưỡng thiết bị, vận hành tối đa công suất.
Các dự án nguồn điện trọng điểm như Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, Quảng Trạch 1 và Hòa Bình mở rộng được yêu cầu hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ từ tháng 6 đến tháng 10/2025. Ngoài ra, các dự án truyền tải điện trọng điểm, bao gồm đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Hải Phòng - Thái Bình... phải hoàn thành trước ngày 2/9/2025 nhằm nâng cao khả năng truyền tải điện từ các khu vực có tiềm năng năng lượng tái tạo.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng và quảng cáo ngoài trời, thay thế thiết bị cũ bằng đèn tiết kiệm điện, ứng dụng công nghệ điều khiển tự động. Đồng thời, các nguồn điện phân tán tại chỗ như điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ được khuyến khích phát triển theo Nghị định số 57 và 58/2025/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, các tập đoàn như EVN, PVN, TKV được giao nhiệm vụ phối hợp hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, gián đoạn cung ứng nhiên liệu hoặc sự cố hệ thống. Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động mua bán điện, khí, than, đảm bảo minh bạch, ngăn chặn tiêu cực, lãng phí.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiệm vụ điều phối việc sử dụng nước hợp lý từ các hồ thủy điện, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa ưu tiên phát điện trong mùa cao điểm. Đồng thời, công tác dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn cần được tăng cường để cung cấp dữ liệu chính xác cho điều hành vận hành hệ thống điện.
Công điện 49/CĐ-TTg là lời khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhất là trong mùa nắng nóng và thời điểm nhu cầu sản xuất tăng cao. Với những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể và có lộ trình rõ ràng, kỳ vọng hệ thống điện quốc gia sẽ vận hành ổn định, bền vững, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2025 và giai đoạn tới.