Triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Ngày 27/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật TTATGT đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Để Luật TTATGT đường bộ và kế hoạch triển khai thi hành Luật TTATGT đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 1043/QĐ-TTg, ngày 25/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh nhằm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành trong triển khai Luật TTATGT đường bộ bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương khi tiến hành các hoạt động triển khai thi hành luật trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về Luật TTATGT đường bộ đến cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành và nhân dân trong thi hành luật.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh Trường Tiểu học học Đề Thám (Thành phố). Ảnh: Hoàng Ly

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh Trường Tiểu học học Đề Thám (Thành phố). Ảnh: Hoàng Ly

Theo đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo đảm TTATGT đường bộ của công an cấp tỉnh, huyện, xã. Sở Giao thông - Vận tải biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, xã.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của luật với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân.

Bên cạnh đó, tổ chức giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ với các nội dung kiến thức pháp luật TTATGT đường bộ vào chương trình giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh về phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn tỉnh; hoạt động của xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải; quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo khoản 6 Điều 35, khoản 4, khoản 5 Điều 44, khoản 2 Điều 47, khoản 2 Điều 48 Luật TTATGT đường bộ năm 2024.

Bảo đảm nguồn lực triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ, trung tâm chỉ huy giao thông, hệ thống cơ sở dữ liệu về điểm giấy phép lái xe; kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đối với người bị trừ hết giấy phép lái xe; xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, TTATGT đường bộ; hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; đăng ký xe toàn trình; hệ thống quản lý đấu giá biển số; quản lý hệ thống tín hiệu giao thông; xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thi hành luật theo định kỳ và khi có yêu cầu.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/trien-khai-thi-hanh-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-tren-dia-ban-tinh-3173318.html