Triển khai thủ tục hành chính phi địa giới tại 3 thành phố trong tỉnh Kiên Giang

Ngày 1-3-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện quy chế tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo hình thức phi địa giới hành chính tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc. Với mục tiêu chuyển đổi từ tư duy cấp phép sang tư duy phục vụ, quy chế này cho phép người dân nộp và nhận hồ sơ đất đai mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi trong đi lại.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Trần Thị Thùy Trang.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Trần Thị Thùy Trang.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Trần Thị Thùy Trang cho biết đầu năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế thực hiện thí điểm việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đất đai cho hộ gia đình, cá nhân theo hình thức phi địa giới hành chính trên địa bàn 3 thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, thời gian thực hiện kể từ ngày 1-3-2024. Sở cùng với Ủy ban nhân dân các TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc tổ chức triển khai, bố trí nhân sự, máy móc, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt quy chế.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Kiên Giang tổ chức tập huấn quy trình chi tiết đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có tham gia vào quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Sở đã phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Báo Kiên Giang, Cổng thông tin điện tử của tỉnh; cổng thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường… đăng nhiều tin, bài, thông tin cùng nhiều hình thức tuyên truyền khác như vận động công chức, viên chức, người lao động chia sẻ trên các ứng dụng mạng xã hội để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin. Từ đó, công tác tổ chức triển khai được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, quá trình vận hành được thuận lợi, nhịp nhàng, cơ bản đảm bảo đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

- Phóng viên: Vì sao phải xây dựng quy chế? Quy chế quy định những nội dung cụ thể gì?

- Bà Trần Thị Thùy Trang: Thứ nhất, về lý do xây dựng quy chế:

1. Kiên Giang là tỉnh có địa hình tương đối phức tạp, khoảng cách địa lý giữa 3 thành phố tương đối xa, điều kiện đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, phải mất từ 2 đến 3 giờ đi tàu xe.

2. Số lượng hồ sơ biến động về quyền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn 3 thành phố tương đối nhiều, nhất là người dân có đất tại Kiên Giang nhưng thường trú tại các tỉnh khác.

3. Thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai được công bố theo quy định vẫn còn phức tạp; thời gian đi lại của người dân từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả còn nhiều lần.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường luôn có tinh thần cầu thị; mong muốn từng bước thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai; với mục tiêu chuyển từ tư duy cấp phép sang tư duy phục vụ, trong đó quan tâm đúng mức đến việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu gắn với việc thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, về nội dung cụ thể của quy chế: Quy chế quy định về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nộp và trả kết quả theo hình thức phi địa giới hành chính trên địa bàn 3 thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc.

Cụ thể, phía người dân, người dân có đất tại 1 trong 3 thành phố nói trên, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu có nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất thông qua hình thức cấp đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất có thể lựa chọn hình thức nộp hồ sơ thực hiện một số thủ tục hành chính tại nơi có đất hoặc được nộp và trả kết quả tại 1 trong 2 địa phương còn lại. Ví dụ: Người dân có đất trên địa bàn TP. Phú Quốc có thể nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Rạch Giá hoặc TP. Hà Tiên và ngược lại.

Về phía cơ quan nhà nước: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện việc luân chuyển hồ sơ thông qua phần mềm một cửa điện tử, đồng thời chuyển hồ sơ số về chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để xử lý hồ sơ theo quy trình.

Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để luân chuyển và giải quyết hồ sơ theo quy trình đã ban hành, đến khi có kết quả thì chuyển về nơi tiếp nhận để trả kết quả cho người dân.

Người dân có thể nhận được thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính tại nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua hệ thống một cửa điện tử hoặc thông qua bưu điện do cơ quan thuế gửi; nộp chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính tại nơi nộp hồ sơ hoặc yêu cầu cơ quan thuế xác nhận mà không phải đến địa phương nơi có đất để thực hiện như quy định. Qua thực hiện quy trình này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân từ nơi ở đến thành phố nơi có đất.

- Phóng viên: Quá trình triển khai thực hiện quy chế, đến nay đã đạt được kết quả ra sao; có những thuận lợi và khó khăn gì cho người dân cũng như cơ quan nhà nước?

- Bà Trần Thị Thùy Trang: Về kết quả đạt được: Kể từ thời điểm triển khai thực hiện quy chế cho đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận, xử lý được gần 200 hồ sơ. Số lượng hồ sơ nộp tương đối ít; thường phân bố không đồng đều giữa các địa phương, chủ yếu người dân có đất trên địa bàn TP. Phú Quốc chọn nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Rạch Giá. Mặc dù số lượng hồ sơ tiếp nhận chưa nhiều, nhưng qua phản hồi của người dân thì phần lớn đều hài lòng với kết quả thực hiện do những thuận tiện của quy chế mang lại.

Quy chế này đã mang đến sự thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Đối với khoảng cách giữa các TP. Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc cách nhau rất xa, khó khăn trong quá trình di chuyển. Do đó, khi triển khai thực hiện thì người dân có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí và sức khỏe. Ví dụ: Một người dân sinh sống trên địa bàn TP. Rạch Giá muốn thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn TP. Phú Quốc, sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết theo quy định thì việc chọn nơi nộp hồ sơ và trả kết quả theo quy chế trên có thể tiết kiệm được khoảng 3 ngày làm việc và khoảng 4 triệu đồng/1 hồ sơ (chỉ ước tính chi phí đi lại cho 2 lần nộp và nhận kết quả). Ngoài ra, đối với những người không đủ sức khỏe thì việc đi lại giữa các địa phương để thực hiện cũng rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện. Do đó, việc triển khai thực hiện quy chế thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Bên cạnh những thuận lợi, khi triển khai thực hiện cũng có một số khó khăn nhất định. Do mới thí điểm nên người dân chưa tiếp cận được nhiều thông tin, do đó số lượng hồ sơ tiếp nhận tương đối ít. Các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai phải bố trí thêm nhân sự, trang thiết bị để phục vụ riêng cho việc vận hành quy chế này, trong khi đó văn phòng đăng ký đất đai lại là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí thường xuyên. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị đôi khi chưa nhịp nhàng.

- Phóng viên: Bà đánh giá thời gian tới có nên tiếp tục triển khai thực hiện quy chế trên hay không? Nếu tiếp tục thì có những giải pháp nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện?

- Bà Trần Thị Thùy Trang: So với một số khó khăn nhất định thì quy chế này vẫn mang đến nhiều hiệu quả đáng ghi nhận, nhất là lợi ích của người dân khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính về đất đai theo hình thức phi địa giới hành chính này. Do đó, thời gian sắp tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục triển khai thí điểm quy chế.

Mặt khác, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc thực hiện quy chế, Sở Tài nguyên và Môi trường với tinh thần cầu thị, luôn mong muốn được sự tham gia, sự chia sẻ, đồng hành và góp ý của người dân trong thời gian tới. Đồng thời sẽ chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương; tuyên truyền, phổ biến thông qua chia sẻ thông tin trên các ứng dụng mạng xã hội.

Tiếp tục đặt trọng tâm và quyết tâm cao nhất trong lãnh đạo đối với công tác cải cách hành chính, trong đó quan tâm đúng mức đến việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu gắn với việc thực hiện chuyển đổi số.

Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình xử lý, luân chuyển hồ sơ, đảm bảo hồ sơ được giải quyết đúng hoặc sớm hẹn; ngày càng tạo được niềm tin của người dân đối với những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng.

Sau 1 năm thực hiện sẽ tổ chức sơ kết, nếu quy chế tiếp tục phát huy được hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo UBND tỉnh cho tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số địa phương có điều kiện đi lại khó khăn như Kiên Hải, Giang Thành, Vĩnh Thuận…, từng bước triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

- Phóng viên: Xin cảm ơn Phó Giám đốc Trần Thị Thùy Trang!

TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/trien-khai-thu-tuc-hanh-chinh-phi-dia-gioi-tai-3-thanh-pho-trong-tinh-kien-giang-23102.html