Triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn

Trước diễn biến áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông và tình hình mưa lũ phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, ngày 15/7, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với ATNĐ và mưa lũ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận cuộc họp. Ảnh: Bích Nguyên

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận cuộc họp. Ảnh: Bích Nguyên

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 15/7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 14,5 -17 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết thêm, dự báo trong ngày hôm nay (15/7) ATNĐ duy trì ở mức cấp 6 và suy yếu, khả năng gây ra gió mạnh trong đất liền không cao.

Tuy nhiên với phân bố trường mây ATNĐ thì từ hôm nay toàn bộ Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, sau đó mở rộng ra Bắc Bộ. Dự báo khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Mưa lớn ở Trung Bộ khả năng kéo dài tới 17/7, còn ở Bắc Bộ kéo dài tới 18/7.

"Chúng tôi lo nhất mưa trong và sau áp thấp nhiệt đới gây ra lũ quét, sạt lở đất ở phía nam Tây Nguyên và các tỉnh vùng núi Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An - Quảng Ngãi). Vùng núi Bắc Bộ, mưa mở rộng lên vùng núi Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu" - ông Lâm cảnh báo.

Ngoài ra, ông Lâm cảnh báo thêm nguy cơ mưa dông và sóng lớn ở Quần đảo Trường Sa và vùng biển Bình Định - Cà Mau và Cà Mau - Kiên Giang do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và sóng lớn ở các khu vực vùng biển phía Nam.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP tính đến 6 giờ 30 phút ngày 15/7, các đơn vị Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 40.000 tàu/hơn 196.700 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó hơn 1.000 tàu/ hơn 6.100 người hoạt động tại vùng biển từ Quảng Trị - Quảng Ngãi và quần đảo Hoàng Sa. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấm biển từ chiều 14/7.

Đại tá Lê Quang Hào, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam cho biết, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu có điện chỉ đạo lực lượng BĐBP các quân khu 3,5,7,9 rà soát các khu vực có nguy cơ thiên tai, sẵn sàng các phương án cứu hộ cứu nạn.

Theo Đại tá Hào trong 2 năm gần đây, tình hình mưa bão tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt tại Lào Cai lũ cuốn trôi rất nhiều. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo và có biện pháp quyết liệt để người dân không lội qua các ngầm tràn.

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá dự báo dài hạn về tình hình thời tiết, khí hậu trong năm nay là cơ bản đúng. Vấn đề khiến Thứ trưởng lưu tâm là mới bắt đầu và mùa mưa lũ nhưng số người chết do thiên tai từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 30% so với năm 2023. Trong khi đó, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có 3-5 cơn bão đổ bộ vào đất liền, trong đó có thể có những hình thái thiên tai cực đoan như lũ lụt lớn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, so với dự báo ban đầu, áp thấp nhiệt đới hiện ở cấp độ nhẹ hơn nhưng không được chủ quan, nhất là tàu thuyền hoạt động gần bờ bởi có thể xảy ra dông lốc bất chợt.

Một vấn đề khác cần lưu tâm là mưa ở khu vực Nam Trung Bộ, trong đó, ngập úng đô thị là vấn đề lớn nhất của khu vực này. Để ứng phó với khả năng xảy ra ngập úng đô thị, năm nay thành phố Đà Nẵng đã triển khai khơi thông toàn bộ hệ thống thoát nước. Do đó, các địa phương khác cần học tập Đà Nẵng để chủ động phòng tránh ngập úng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, mưa lớn sẽ gây ra sạt lở đất và lũ quét do đó các địa phương cần tăng cường cảnh báo, cấm người dân đi lại qua các khu vực có nguy cơ sạt trượt, đồng thời rà soát lại các dòng chảy để có cảnh báo và biện pháp ứng phó kịp thời.

Về vấn đề xả lũ hồ chứa của các nhà máy thủy điện, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu tất cả các hồ, từ đơn lẻ, hồ liên hồ khi xả lũ phải tuân thủ đúng quy trình và thông báo đến địa chỉ.

Sau vụ việc sạt lở đất làm 11 người chết, 4 người bị thương ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu để có khuyến cáo hạn chế phương tiện di chuyển các các tuyến đường và khu vực này vào ban đêm và những khu vực có nguy cơ sạt lở. “Trong trường hợp nếu cảm thấy khu vực nào đó không an toàn thì cấm đi ban đêm” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trien-khai-ung-pho-voi-ap-thap-nhiet-doi-va-mua-lon-post478181.html