Triển lãm ảnh 'Chùa Việt – Cột mốc tâm linh, đại sứ văn hóa': Tiếp nối tinh thần che chở hồn dân tộc
Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025, triển lãm ảnh 'Chùa Việt – Cột mốc tâm linh, đại sứ văn hóa' do Ban Văn hóa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, đã khai mạc tại Giảng đường Minh Châu, Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM).

Triển lãm là lời tri ân sâu sắc đối với di sản văn hóa tâm linh lâu đời của dân tộc Việt Nam, và là dịp tôn vinh hình ảnh chùa Việt như một biểu tượng bền bỉ của niềm tin, bản sắc và tình người.
Triển lãm giới thiệu 30 bức ảnh được thực hiện bởi các phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam, ghi lại những hình ảnh sống động về các ngôi chùa Việt ở vùng biên giới, hải đảo và ở nước ngoài. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một lát cắt của lịch sử, văn hóa và tâm thức Việt, minh chứng cho sức sống trường tồn và giá trị lan tỏa của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng.

Hình ảnh chùa Việt không chỉ hiện diện ở làng quê, phố thị, mà còn có mặt trên những hòn đảo xa xôi như Trường Sa, Cô Tô... Ở đó, mái chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, mà còn là biểu tượng tinh thần, là nơi neo đậu tâm hồn cho những người dân bám biển, bảo vệ chủ quyền.
Đứng trước bức ảnh một ngôi chùa giữa quần đảo Trường Sa, chị Nguyễn Thị Thu Hương (35 tuổi, quận 8, TPHCM) xúc động chia sẻ: “Nhìn thấy những ngôi chùa ở nơi đầu sóng ngọn gió, tôi cảm nhận được sự bình an lan tỏa. Mái chùa như vòng tay mẹ, như điểm tựa để người ta không thấy mình lẻ loi, dù ở bất cứ đâu trên đất nước này”.

Chùa Việt không chỉ là nơi hướng thiện, mà còn là nơi gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt: từ kiến trúc, mỹ thuật đến triết lý sống nhân ái, hiền hòa. Trong không gian chùa là tiếng chuông vọng vang nhắc nhở lòng người, là nếp sống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là nơi tổ chức lễ hội, cầu an, báo hiếu. Hình ảnh chùa Việt vì thế không bó hẹp trong tôn giáo, mà mở rộng thành một không gian văn hóa, một biểu tượng tâm linh đi cùng dân tộc trong từng bước thăng trầm lịch sử.
Đối với người Việt xa xứ, hình ảnh ngôi chùa trở thành sợi dây kết nối với quê hương. Dù ở nước ngoài, một mái chùa nhỏ cũng đủ để khơi lại ký ức, khơi dậy lòng tự hào và nhắc nhớ về cội nguồn. Còn với ngư dân, pho tượng Phật giữa biển trời mênh mông là chốn an trú giữa bao la sóng gió, giúp họ thêm vững vàng, kiên tâm trước cuộc mưu sinh khắc nghiệt.
Triển lãm “Chùa Việt – Cột mốc tâm linh, đại sứ văn hóa” không chỉ là một hoạt động nghệ thuật, mà còn là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: hãy trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của những mái chùa – nơi “che chở hồn dân tộc”, nơi mà mỗi người Việt, dù ở đâu, cũng có thể tìm về để thấy lòng mình lắng lại, an yên.
Một số hình ảnh trưng bày trong triển lãm:





