Triển lãm Gustav Klimt - nơi nghệ thuật bừng sáng giác quan
Từ khát vọng đưa di sản hội họa thế giới chạm gần hơn với công chúng Việt Nam, Triển lãm 'Gustav Klimt - Nghệ thuật tương tác đa giác quan' chính là không gian đậm tính tương tác và gắn kết nghệ thuật cùng cộng đồng.
Với mong muốn mỗi khán giả không chỉ là người xem, mà còn là người trải nghiệm và được truyền cảm hứng bởi nghệ thuật, triển lãm Gustav Klimt là cầu nối đưa cảm xúc của những kiệt tác vượt ra khỏi khuôn khổ tranh vẽ, chạm đến từng giác quan và khơi gợi câu chuyện riêng trong mỗi trái tim.
Nghệ thuật sống cùng người xem
Triển lãm "Gustav Klimt - Nghệ thuật tương tác đa giác quan” đang diễn ra tại TỎA (phường Bến Thành, TP Hồ Chí Minh) đã để lại những ấn tượng cho người xem bởi sự trình diễn kết hợp giữa công nghệ hiện đại với những tác phẩm lừng danh của danh họa Áo Gustav Klimt như The Kiss, Portrait of Adele Bloch-Bauer I hay The Tree of Life. Không gian triển lãm không chỉ trưng bày tranh mà “hô biến” toàn bộ sàn nhà, trần và tường thành thế giới nghệ thuật đa tầng, sinh động.

Triển lãm “Gustav Klimt - Nghệ thuật tương tác đa giác quan” đang diễn ra tại TỎA mang đến cho công chúng những tác phẩm lừng danh của danh họa Áo.
Với công nghệ trình chiếu 3D Mapping 720° kết hợp biểu diễn laser mapping ánh sáng và âm thanh vòm sống động 360° đã đưa những kiệt tác dát vàng của ông hoàng Art Nouveau sống dậy ngay trước mắt người xem. Không chỉ xem, khán giả còn được tương tác trực tiếp với nghệ thuật bằng công nghệ thực tế ảo - VR (Virtual Reality), ngắm nhìn tranh cảm ứng (Interactive paintings) theo dõi chuyển động đa chiều (Motion Tracking)... tạo nên một hành trình cảm nhận bằng thị giác, thính giác và cả xúc giác, mang lại cảm giác nhập vai hoàn toàn.
“Chúng tôi tin rằng nghệ thuật không chỉ để trưng bày, mà còn để kết nối cảm xúc và truyền cảm hứng”, bà Nguyễn Đình Thùy Dung, Giám đốc Sáng tạo triển lãm Gustav Klimt chia sẻ.
Còn kiến trúc sư Naomi Thủy Nguyễn gọi đây là một "cơ hội vô giá" để công chúng, đặc biệt là người trẻ tiếp cận nghệ thuật theo một cách hoàn toàn khác. “Triển lãm cho phép bạn không chỉ học, mà còn sống trong nghệ thuật và công nghệ, từ đó được truyền cảm hứng để tạo ra cái riêng”, Naomi Thủy Nguyễn nói.

Không gian như được dát vàng với đầy đủ những trải nghiệm của ánh sáng và âm thanh. Ảnh: TỎA
Không chỉ dừng ở khía cạnh mỹ học, triển lãm Gustav Klimt còn mang tính xã hội và giáo dục cao. Từ những bạn trẻ như Thục Nhi, vốn không có nhiều kiến thức về hội họa đến các nhân viên ngành dịch vụ như Thanh Trâm (hệ thống khách sạn Pullman TP Hồ Chí Minh), ai cũng tìm thấy điểm chạm cảm xúc riêng khi đến với triển lãm. “Em thấy cách tổ chức này rất sáng tạo và thu hút. Chúng em muốn giới thiệu tới du khách như một trải nghiệm đặc biệt khi đến TP Hồ Chí Minh”, Thanh Trâm chia sẻ.

Thục Nhi tuy không am hiểu nhiều về nghệ thuật nhưng lại thích thú và say mê với những công nghệ hiện đại tại triển lãm.
Sự lan tỏa của triển lãm không chỉ thể hiện qua hơn 10.000 lượt khách đến tham quan sau thời gian ngắn khai mạc, mà còn qua sự hiện diện của những gương mặt nổi bật trong giới sáng tạo, các nhà báo, nhà thiết kế, nghệ sĩ quốc tế. Nhà báo Trác Thúy Miêu đã mô tả không gian TỎA - nơi đang diễn ra triển lãm một cách thi vị: “Từng bước chân tại TỎA là một bước vào thế giới riêng, nơi nghệ thuật thì thầm với bạn bằng ánh sáng và cảm xúc”.

Một góc các tác phẩm sáng tạo của công chúng trong không gian NHỚ TỎA.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhìn nhận: “Những chương trình, triển lãm như thế này không chỉ mang lại trải nghiệm nghệ thuật mới, mà còn góp phần thúc đẩy du lịch Thành phố, làm giàu đời sống tinh thần và phù hợp với xu thế đổi mới của TP Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên chuyển đổi số”.
Công nghệ - cầu nối giữa di sản và công chúng trong thời đại số
Nếu trước đây, nghệ thuật thị giác thường gắn với không gian viện bảo tàng tĩnh lặng, thư viện cổ kính hay phòng triển lãm chuyên biệt, thì nay, với sự phát triển của công nghệ, một “cuộc cách mạng” đang diễn ra âm thầm nhưng mạnh mẽ. Công nghệ đang “mở khóa” văn hóa, biến những giá trị tưởng chừng xa xôi trở nên gần gũi và sinh động hơn bao giờ hết.

Bà Nguyễn Đình Thùy Dung, Giám đốc Sáng tạo triển lãm “Gustav Klimt - Nghệ thuật tương tác đa giác quan” chia sẻ nhiều tâm huyết đối với việc giới thiệu di sản nghệ thuật quốc tế với công chúng Việt Nam và mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Ảnh: TỎA
Với triết lý hoạt động tiên phong là một trong những mô hình đầu tiên tại Việt Nam tích hợp thành công nghệ thuật với các công nghệ như trình chiếu 360°, VR/AR, hệ thống âm thanh tương tác và ánh sáng mapping, theo bà Nguyễn Đình Thùy Dung, đồng sáng lập TỎA và đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nghệ thuật Sáng tạo, đây là kết quả của hơn một thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm ứng dụng công nghệ vào bảo tồn và phổ biến nghệ thuật.
“Chúng tôi mong muốn tạo ra một không gian nghệ thuật mở, nơi ai cũng có thể kết nối với cái đẹp, không cần kiến thức chuyên môn, chỉ cần cảm xúc. Chúng ta đang sống trong một thế giới của công nghệ số, ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật sẽ cho chúng ta những trải nghiệm đa giác quan và chúng tôi sẽ mang nhiều danh họa thế giới về Việt Nam hơn nữa, đồng thời cũng giới thiệu các tác giả, tác phẩm và di sản Việt Nam ra với thế giới”, bà Nguyễn Đình Thùy Dung cho biết.

Không gian bên ngoài của Triển lãm nghệ thuật đa giác quan giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Cũng theo bà Nguyễn Đình Thùy Dung, sắp tới, TỎA sẽ mở rộng mô hình triển lãm đa tầng bằng việc kết hợp song hành các không gian nghệ thuật như Gustav Klimt vào buổi sáng và Vincent Van Gogh vào buổi tối nhằm khơi dậy trải nghiệm đối lập nhưng đầy cảm xúc. Song song đó là chuỗi chương trình tái hiện lịch sử Việt Nam bằng công nghệ thị giác, mở đầu với hình tượng Trần Hưng Đạo và chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Theo đó, thông qua projection mapping trên mái vòm, chiếu dựng cảnh đoàn chiến thuyền đổ bộ dưới cờ hiệu ba rồng, mồi bẫy cọc gỗ ngầm sừng sững trên sông Bạch Đằng. Với công nghệ VR, khách thưởng lãm có thể cảm nhận được “lên boong” chiến thuyền Đại Việt, nghe rõ từng nhịp tiếng trống trận và mũi giáo vỗ nước, cảm nhận áp lực chuyển mình của dòng sông theo thủy triều.

Công chúng yêu nghệ thuật như được lạc vào thế giới khác, nơi mọi giác quan và tình yêu với nghệ thuật được đánh thức.
“Trong thời đại mở ra kỷ nguyên vươn mình của đất nước, đã đến lúc chúng ta cần một góc nhìn mới, một cách tiếp cận mới để gắn kết các thế hệ trẻ với câu chuyện lịch sử”, bà Nguyễn Đình Thùy Dung chia sẻ thêm.
Với mục tiêu lâu dài, TỎA hướng tới xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm du lịch văn hóa số tầm khu vực, nơi di sản toàn cầu giao thoa cùng bản sắc dân tộc trong một trải nghiệm công nghệ hiện đại và giàu cảm xúc.

Không gian trải nghiệm đa giác quan tại TỎA.
Triển lãm “Gustav Klimt - Nghệ thuật tương tác đa giác quan” đã cho thấy một điều: thưởng thức văn hóa không còn là hoạt động thụ động, mà trở thành trải nghiệm tương tác, cá nhân hóa và sống động. Chính sự kết hợp này - giữa ánh sáng, âm thanh, công nghệ và cảm xúc đang định hình lại cách con người kết nối với cái đẹp trong kỷ nguyên số.

Nghệ thuật được cảm nhận bằng âm thanh, ánh sáng và chạm vào cảm xúc của công chúng.
Từ một triển lãm immersive tôn vinh danh họa Áo giữa lòng TP Hồ Chí Minh, TỎA đã mở ra một hướng đi mới cho văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam, nơi công nghệ không làm lu mờ di sản, mà giúp di sản bước vào cuộc sống hiện đại; đồng thời đây cũng là một địa điểm phù hợp để "chữa lành" khi bên ngoài là nhịp sống hối hả bận rộn.