Gần thiên nhiên thì thư giãn, nhưng an toàn là trên hết

Bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch tìm về thiên nhiên hoang dã trong mùa hè này? Dưới đây là những điều bạn cần biết trước khi lên đường.

Kể từ sau năm 2020, một làn sóng du lịch mới đã hình thành mạnh mẽ khi du khách trong và ngoài nước ngày càng có xu hướng tìm về những địa điểm thiên nhiên hoang sơ, chưa bị con người tác động. Thậm chí, các trào lưu như “digital detox” (du lịch không internet, không điện thoại) hay du lịch thiền định đã nhanh chóng trở thành hiện tượng được cộng đồng mê xê dịch hưởng ứng.

Tuy nhiên, xu hướng du lịch mới này cũng dấy lên một hệ quả đáng báo động: số vụ cứu hộ cứu nạn tại các khu vực thiên nhiên hoang dã cũng gia tăng đáng kể. Nguyên nhân chính đến từ việc nhiều du khách đi khám phá nhưng lại chủ quan, chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng sinh tồn cần thiết trong môi trường hoang dã.

Mùa hè là thời điểm lý tưởng chúng ta tìm về với thiên nhiên để “sạc” lại năng lượng. Vì vậy, để mỗi chuyến đi là một trải nghiệm trọn vẹn, việc trang bị kỹ năng an toàn chính là hành trang quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

Vẻ đẹp của Hang Múa, một thắng cảnh tại Ninh Bình được du khách quốc tế yêu thích. Ảnh: Instagram @emmaastravels.

Vẻ đẹp của Hang Múa, một thắng cảnh tại Ninh Bình được du khách quốc tế yêu thích. Ảnh: Instagram @emmaastravels.

Chuẩn bị kỹ càng

Nguyên tắc vàng của mọi chuyến đi an toàn là khâu chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khi còn ở nhà. Thay vì chỉ tìm kiếm thông tin chung chung, hãy tham khảo các nguồn đáng tin cậy như những chia sẻ thực tế trong các hội nhóm du lịch trên mạng xã hội, lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia hoặc travel blogger uy tín, và đặc biệt là truy cập website chính thức của vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn bạn sắp đến để cập nhật các cảnh báo mới nhất.

Đừng bao giờ chủ quan, bởi Việt Nam là một quốc gia có địa hình vô cùng đa dạng. Kỹ năng và vật dụng cần thiết cho một chuyến trekking vùng núi cao phía Bắc sẽ khác hoàn toàn so với việc khám phá một khu rừng ngập mặn ở phương Nam. Vì vậy, tìm hiểu và chuẩn bị phù hợp với đặc thù của từng địa hình là bước đi thông minh đầu tiên để bảo đảm một hành trình trọn vẹn và an toàn.

Tìm hiểu các thông tin về điểm đến trước khi lên đường là việc làm cần thiết. Ảnh: Pexels.

Tìm hiểu các thông tin về điểm đến trước khi lên đường là việc làm cần thiết. Ảnh: Pexels.

Ngoài ra, trong hành trang khám phá thiên nhiên, hãy dành một vị trí đặc biệt cho một vật dụng cổ điển nhưng vô cùng giá trị: một tấm bản đồ giấy của khu vực bạn sắp đến. Chúng ta đã quá quen với sự tiện lợi của bản đồ số, nhưng trong môi trường rừng rậm, nơi sóng điện thoại và kết nối internet cực kỳ chập chờn, sự phụ thuộc này có thể trở thành một rủi ro lớn. Khi công nghệ không thể hỗ trợ, tấm bản đồ giấy sẽ là cứu cánh đáng tin cậy nhất.

Tuy nhiên, bản đồ sẽ vô dụng nếu bạn không biết cách đọc nó. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã trang bị cho mình cả kỹ năng đọc bản đồ cơ bản, từ việc xác định phương hướng, nhận diện ký hiệu địa hình đến ước tính khoảng cách trước khi bắt đầu hành trình.

Luôn mang theo một tấm bản đồ giấy trong hành trang và bảo đảm bạn biết cách đọc nó. Ảnh: Getty Images.

Luôn mang theo một tấm bản đồ giấy trong hành trang và bảo đảm bạn biết cách đọc nó. Ảnh: Getty Images.

Theo dõi dự báo thời tiết

Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ năng và vật dụng, theo dõi sát sao bản tin thời tiết là yếu tố sống còn cho mỗi chuyến đi. Một kế hoạch hoàn hảo có thể phải thay đổi vào phút chót chỉ vì một cơn bão hay áp thấp nhiệt đới bất ngờ xuất hiện.

Tại Nam Bộ nói chung, mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 khiến các cung đường trekking trong rừng như Nam Cát Tiên hay Mã Đà trở nên cực kỳ nguy hiểm. Mưa lớn làm đường đất nhão và trơn trượt, đồng thời tạo điều kiện cho vắt, đỉa và các loại côn trùng sinh sôi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Dù có vẻ hiền hòa nhưng việc khám phá các miệt vườn cây trái miền Tây Nam Bộ vào mùa mưa cũng cần cẩn trọng. Đất vườn ẩm ướt, đặc biệt là những cây cầu khỉ lắt lẻo, sẽ rất trơn nếu không có giày dép phù hợp với đế chống trượt. Ngoài ra, việc trang bị túi chống nước cho điện thoại và các thiết bị điện tử là vô cùng cần thiết để phòng trường hợp trượt chân té ngã.

Tại Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc, vào mùa mưa hè, những khu vực này thường đối mặt với nguy cơ sạt lở đất đá và đặc biệt là lũ quét bất ngờ từ thượng nguồn đổ về. Du khách cần tuyệt đối tránh đi vào những vùng cảnh báo nguy hiểm hoặc cắm trại gần sông suối.

Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để có chuyến đi trọn vẹn. Ảnh: Getty Images.

Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để có chuyến đi trọn vẹn. Ảnh: Getty Images.

Sẵn sàng phương án cho mọi tình huống

Bạn không bao giờ có thể mang theo hết tất cả mọi thứ vì hành lý sẽ quá nặng. Tốt hơn hết, hãy hình dung ra kịch bản xấu nhất có thể xảy ra và lên phương án chuẩn bị tốt nhất có thể. Đây chính là kim chỉ nam cho mọi sự chuẩn bị.

Ngay cả khi bạn có ý định trekking trong ngày, hãy luôn sẵn sàng cho khả năng ở lại qua đêm. Vì vậy, trong ba lô cần có một bộ quần áo dự phòng và các vật dụng giúp giữ ấm, bảo vệ cơ thể trong môi trường thiên nhiên.

Cuối cùng, đừng quên duy trì hoạt động các phương tiện liên lạc. Dù các dòng điện thoại mới đã có chức năng “cuộc gọi khẩn cấp” thông qua vệ tinh, nhưng lượng pin luôn hữu hạn. Vì vậy, một cục sạc dự phòng mang theo mình là vô cùng cần thiết. Và quan trọng nhất, nếu đi một mình, hãy bảo đảm người thân ở nhà biết rõ lịch trình, địa điểm và thời gian dự kiến bạn trở về.

Nguyễn Bảo

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/kinh-nghiem-di/gan-thien-nhien-thi-thu-gian-nhung-an-toan-la-tren-het-c29a101476.html