Triển lãm 'Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây' tái hiện hồi ức đẹp về Hà Nội xưa
'Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây' là tiêu đề cuộc triển lãm do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp tổ chức.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2023); hướng tới kỷ niệm 10 năm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.
Đúng như chủ đề của cuộc triển lãm, “Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây” đưa người xem trở về với hình ảnh Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Gươm cùng biết bao kỷ niệm đẹp trong hồi ức. Sự cộng hưởng giữa hai nét kiến trúc và văn hóa Đông – Tây đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho hồ Gươm và Phố cổ ngày nay. Chứng kiến sự đổi thay của khu danh thắng này khiến nhiều du khách và người dân Thủ đô không khỏi ngỡ ngàng và bồi hồi xúc động. Tham quan triển lãm, công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về sự tiếp biến cảnh quan, không gian lịch sử - văn hóa Hồ Gươm trong những năm đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ: "Nhà tôi cách Hồ Gươm khoảng 100m, do đó Hồ Gươm đối với tôi như một ngôi nhà thứ 2. Đến giờ phút này đã 70 năm rồi thì những thay đổi trong dĩ vãng lại dội về mỗi lần có những tư liệu kiểu như triển lãm này về Hồ Gươm làm tôi rất xúc động. Bởi vì mình nhìn lại những cái mình đã từng thấy bây giờ không còn nữa, thậm chí có những cái mình chưa biết vì nó quá lâu trước khi mình ra đời và đọc lại những thông tin này đã giúp tôi vỡ thêm ra những điều được gọi là nền văn hóa Hồ Gươm".
Dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, Hồ Gươm vẫn luôn đóng vai trò là trung tâm, nơi hỗ trợ cho các hoạt động truyền thống, nơi chứng kiến và tiếp nhận những thăng trầm lịch sử của thành phố và người dân nơi đây. Thông qua 22 hình ảnh bản vẽ cùng hơn 100 tư liệu quí được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cung cấp, những hồi ức đẹp về Hồ Gươm và Hà Nội xưa được tái hiện chân thật, với những hình ảnh quen thuộc về đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội nói chung và người dân khu vực quanh Hồ Gươm nói riêng. Cùng với đó, các công trình do người Pháp xây dựng và nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa được thể hiện qua 3 chủ đề: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm; Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.
Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng ban Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết: "Chúng tôi mong muốn hơn 100 tư liệu của Trung tâm cung cấp, được sự phối hợp của các nhà thiết kế khi chúng tôi đưa ra, công chúng sẽ hiểu hơn về giai đoạn khi mà người Pháp đến Việt Nam, đến Hà Nội và người ta đã có những qui hoạch, để làm sao cho những hình ảnh trước đây vẫn còn đang được hiện hữu tại không gian khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Qua những hoạt động này, mong muốn của từ phía Ban tổ chức, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội chúng tôi là mọi người cùng chung tay để gìn giữ, bảo tồn những giá trị di sản".
Hồ Gươm – dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Với vị trí đắc địa, nơi đây đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này. Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, hồ Gươm như một Giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông – Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có nhiều điều mới mẻ.
Trải qua bao tháng năm, thủ đô Hà Nội đã có nhiều đổi thay. Trong đó, Hồ Gươm nhanh chóng trở thành trung tâm hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hóa giải trí, một Giao lộ - điểm kết nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây.
Bà Trần Thị Mai Hương – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết: "Giao lộ Đông – Tây chứng minh một nền giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây trước khi Pháp vào và khi Pháp vào thì mang văn hóa phương Tây vào. Cho nên kể cả những công trình kiến trúc xung quanh Hồ Gươm cũng mang hơi hướng đấy. Chính vì thế nên chúng tôi đặt tên như vậy cho thân thuộc và gợi mở những cảm xúc của những người trước đây đã sống ở trong thời kỳ Hà Nội thay đổi diện mạo, đặc biệt là Hồ Gươm. Chúng tôi cũng muốn để công chúng biết đến tài liệu lưu trữ còn lưu giữ tất cả những hình ảnh gợi cho công chúng những cảm xúc về Hà Nội trong mùa thu như thế này".
Theo gợi ý của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, những tư liệu, hiện vật sau khi trưng bày tại triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây”, dự kiến sẽ được Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đưa vào các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, để các em học sinh và công chúng có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn về những tư liệu quí của Thủ đô Hà Nội. Thông qua đó, góp phần định hướng trong cộng đồng về ý thức giữ gìn và qui cách ứng xử với di sản của văn hóa Thăng Long Hà Nội.
Triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông – Tây” sẽ mở cửa phục vụ du khách tham quan từ nay đến hết ngày 31/10, tại sảnh tầng 1 của Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm và không gian đi bộ đường Lê Thái Tổ (đoạn đối diện đền Vua Lê).