Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ 29 - Điểm hội tụ tinh hoa nghệ thuật

Đến hẹn lại lên, tháng 8 - Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng (gọi tắt là triển lãm) được tổ chức, là điểm hẹn của những họa sỹ yêu nghề và những người yêu mỹ thuật của 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Thành quả của một năm sáng tạo nghệ thuật được trưng bày với những hy vọng và niềm vui đóng góp một phần cho sự phát triển mỹ thuật khu vực nói riêng, cả nước nói chung của các họa sỹ đã làm cho triển lãm trở thành một điểm hẹn đáng nhớ.

Trong số 151 tác phẩm của 144 tác giả được giới thiệu tại triển lãm lần thứ 29 - Hải Phòng 2024, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nam đóng góp 13 tác phẩm của 12 tác giả thuộc Chi hội Mỹ thuật, trong đó có 6 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mặc dù không có sự phá cách, nhưng các tác giả Hà Nam một mặt trung thành với “gu sáng tạo của mình”, một mặt đã cố gắng thể hiện cái nhìn mới mẻ của mình về cuộc sống thông qua tác phẩm. Vì thế, không gian dành trưng bày các tác phẩm mỹ thuật của Hà Nam tại triển lãm đã cho thấy nét riêng.

Tác phẩm đoạt giải cao nhất của Hà Nam tại triển lãm là bức sơn dầu “Đường vào chiến dịch” của Đỗ Kích có kích thước 190x190cm bề thế. Giải C cho tác phẩm này được các nghệ sỹ tham quan triển lãm đánh giá cao bởi nó là “của hiếm” về đề tài chiến tranh cách mạng; là tác phẩm của một tác giả có bề dày thành tích về đề tài ấy với những nỗ lực không ngừng, dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn sung mãn.

Họa sỹ Đỗ Kích chia sẻ: “Bản thân tôi là một người lính, đã sống và có những trải nghiệm thực tiễn ở chiến trường. Bức vẽ này miêu tả một chi tiết của chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại – khoảnh khắc những dân công hỏa tuyến ngồi nghỉ bên những chiếc xe thồ huyền thoại”. Ông dùng gam màu nóng được pha trộn hài hòa giữa màu cam và màu vàng để thể hiện khung cảnh đặc biệt đó mang đến một cảm xúc lạc quan, tin tưởng, tràn trề khí thế của những con người tham gia chiến dịch. Thật dễ hiểu, năm 2024 đúng tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, sự kiện được Đảng và Nhà nước tổ chức kỷ niệm long trọng, là niềm tự hào của triệu triệu trái tim Việt Nam. Hình ảnh những đoàn quân vào mặt trận trùng trùng, điệp điệp theo tiếng gọi non sông đã ghi dấu vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam một cách đặc biệt, trong đó có lực lượng dân công hỏa tuyến. Với tinh thần một người lính, họa sỹ Đỗ Kích đã lựa chọn đề tài này và không khó khăn gì để thể hiện thành công nó bằng những xúc cảm và khả năng sáng tạo phong phú của mình.

Tác phẩm “Đường vào chiến dịch” đoạt giải C của họa sỹ Đỗ Kích.

Tác phẩm “Đường vào chiến dịch” đoạt giải C của họa sỹ Đỗ Kích.

Cũng với chất liệu sơn dầu, họa sỹ Đỗ Thắng, con trai họa sỹ Đỗ Kích đã có 1 tác phẩm mang thông điệp ý nghĩa về cuộc sống lao động của đồng bào vùng cao. “Buổi sáng vùng cao” - tên tác phẩm, có kích thước lớn 100x120cm, với cách thể hiện vừa thực, vừa trừu tượng bằng gam màu trầm tạo nên khung cảnh vùng cao trầm mặc, thanh bình. Theo họa sỹ Đỗ Thắng, cuộc sống của người dân vùng cao với những lặp lại thường nhật nhiều sinh hoạt có vẻ đơn điệu, nhưng lại có sự gắn kết giữa những cá nhân trong cộng đồng đó một cách bền chặt, đậm bản sắc. Sự gắn kết đó tạo nên sức mạnh để con người vùng cao vượt qua những khó khăn của cuộc sống, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Hai bức sơn dầu khổ lớn trên với phong cách thể hiện khác nhau tạo nên không gian mỹ thuật thực sự bề thế cho Hà Nam tại triển lãm.

Tại triển lãm nét riêng của mỹ thuật Hà Nam hiển hiện rõ nhất là những bức khắc gỗ mang tính truyền thống của các tác giả Nguyễn Ngần, Trần Phong. Cả triển lãm có tất cả 7 tác phẩm khắc gỗ, 2 tác phẩm sơn khắc thì Hà Nam có tới 3 tác phẩm khắc gỗ, 1 tác phẩm sơn khắc. Không ai thấy lạ chuyện này, bởi trong tất cả các cuộc triển lãm khu vực từ trước tới nay, những bức khắc gỗ của Hà Nam mới thực sự tạo nên bản sắc và sự độc đáo.

Họa sỹ Nguyễn Ngần là tác giả duy nhất của Hà Nam có 2 tác phẩm được triển lãm, đều là khắc gỗ. “Cập bến” đoạt giải Khuyến khích mang đến cho người xem một cảm nhận đặc biệt về cuộc sống của ngư dân vùng biển. Tác phẩm bề thế với một bố cục chặt chẽ và những mảng màu sáng - tối hòa vào sự chuyển động của đường nét, hình khối tạo nên nhịp điệu cuộc sống mạnh mẽ của cư dân vùng biển trong tranh. Con thuyền lớn, với giàn lưới cao rộng choáng ngợp những thân hình nhỏ bé của con người cho thấy khả năng làm chủ của con người trước vạn vật, trước sóng gió của cuộc sống. Tất cả những ngư dân có mặt ở bến cá đều thong thả, tự tại chứ không hề vội vàng, chạy đuổi trước sóng to, gió lớn của biển cả bao la...

Bên cạnh “Cập bến”, họa sỹ Nguyễn Ngần còn làm người xem chú ý bởi tác phẩm “Mưu sinh”. Không gian làm việc của một người bán đó - lờ (một ngư cụ làm bằng tre dùng để bắt cá) trên chiếc xe đạp cũ là con đường dài mưa gió. Người lái xe lọt thỏm giữa những chiếc đó xếp chồng lên nhau đầy kín chiếc xe đạp, gò mình đạp xe trong mưa cho thấy nỗi vất vả của người dân quê nông thôn. Với bố cục đơn giản, mảng màu đen - trắng tự nhiên, bức tranh khắc gỗ này của Nguyễn Ngần dù không được giải tại triển lãm nhưng cũng ghi dấu trong lòng người xem một cảm giác gợi nhớ về quá khứ vất vả đối với những ai từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn.

Ở bức “Rạng đông”, chất liệu sơn khắc của Trần Phong cũng thực sự ấn tượng khi tác giả diễn tả một khoảnh khắc buổi sớm lúc mặt trời bắt đầu mọc. Giàn hoa đón những ánh mặt trời đầu tiên bằng một ánh nhìn mới mẻ mang thông điệp về sự bắt đầu thông qua cách sử dụng màu sắc và bố cục khá sắc xảo. Trần Phong đã chọn góc nhìn từ trên xuống để những vệt nắng chạy chéo mang đến cảm giác của sự chuyển động, nhịp điệu to nhỏ khác nhau, tạo sự sinh động, chắc chắn cho bố cục.

Hai họa sỹ trẻ của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh là Phạm Văn Hòa và Mỹ Dung mang đến triển lãm 2 tác phẩm gốm đẹp dung dị, chứa đựng hồn cốt dân tộc và bản sắc văn hóa quê hương thật đậm đà. Cả hai tác phẩm của hai họa sỹ đều tái hiện trò chơi dân gian phổ biến của trẻ em nông thôn trước đây một cách trong sáng, giàu cảm xúc. Tác phẩm “Ngày xanh” của Mỹ Dung tái hiện trò chơi nhảy ngựa.

Mỹ Dung chia sẻ: “Trò chơi này giờ đây nằm trong ký ức của nhiều người, và đó là “ngày xanh trong mỗi con người. Mong muốn của mình gửi vào tác phẩm chính là làm sao trẻ em hôm nay có một không gian vui chơi, vận động thoải mái, bổ ích, nhiều sáng tạo để rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo thông qua các trò chơi dân gian như trước đây”.

Còn với Phạm Văn Hòa, tác phẩm “Tuổi thơ V” mô tả trò chơi bịt mắt bắt dê của trẻ em nông thôn. Đeo bám đề tài này từ nhiều năm nay, Hòa đã cho ra mắt các tác phẩm Tuổi thơ từ I đến IV, tất cả đều có giải. Tại triển lãm này, “Tuổi thơ V” được Hội đồng nghệ thuật giới thiệu dự Giải thưởng ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2024, vì Hòa chỉ đang là hội viên Hội VHNT địa phương, chưa phải là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam nên chưa được chấm giải chính thức.

Mỗi tác phẩm của Hà Nam mang đến triển lãm đều gửi gắm một thông điệp từ cuộc sống với những tâm cảm và sự sáng tạo riêng biệt, góp phần tạo nên một tiếng nói chung cho tình yêu cuộc sống, yêu con người, lao động và chiến đấu, yêu đất nước và tự hào dân tộc… Trong 14 giải chính thức (gồm 2 giải B, 2 Giải C, 10 giải Khuyến khích) được Hội đồng Nghệ thuật trao, Hà Nam có 2 tác phẩm: một giải C và một giải Khuyến khích. Nhiều năm, triển lãm không có giải A, năm nay cũng vậy.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/trien-lam-my-thuat-khu-vuc-dong-bang-song-hong-lan-thu-29-diem-hoi-tu-tinh-hoa-nghe-thuat-131898.html