Làng Hội Hiền trên đất Tây Hồ

Từ thế kỷ XIV, trên đất Hội Hiền ngày nay đã có người tụ cư. Trải qua thời gian, làng Hội Hiền ngày càng phát triển. Theo sách Lịch sử xã Tây Hồ (NXB Thanh Hóa, 2018), vào năm 1337, có bốn quân nhân nhà Trần, đứng đầu là ông Đinh Thời Dĩnh người trấn Sơn Nam và 3 người khác sau khi thắng giặc Chiêm Thành ở phía Nam, đã dừng chân ở vùng đất Tây Hồ ngày nay. Nhận thấy đây là vùng đất đẹp, lại có một dòng kênh lớn chảy qua, người trong vùng gọi là Thủy Trạch, đất đai màu mỡ, tiện lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, ông Đinh Thời Dĩnh bàn với ba người cùng ở lại cư trú. Rồi họ rủ được một số người quanh vùng cùng đến khai hoang lập nghiệp, 12 gia đình tụ lại sinh sống bên dòng Thủy Trạch và đặt tên nơi này là làng Biên.

Một góc thôn Hội Hiền.

Làng Biên xưa hội tụ đầy đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nên người ở các nơi đến sinh cơ lập nghiệp ngày một đông. Đến năm 1539, ông Hoàng Trung Hiến vốn là người họ Mạc ở Hải Dương vì chán ghét cuộc nội chiến Trịnh - Mạc mà đem gia quyến vào làng sinh sống. Đến thế kỷ XVII, nhiều dòng họ cũng đã đến đây, trong đó đáng phải nhắc là dòng họ Trịnh, dòng họ Hoàng ở Yên Trường (thuộc Thọ Xuân ngày nay); dòng họ Nguyễn ở Hải Dương... và sau này, năm 1782, còn có thêm dòng họ Lê của ông phó Thiên hộ Lê Tôn Bàn quê làng Bái Đô (nay là xã Xuân Bái, Thọ Xuân); và năm 1863, một số người họ Phùng từ Hà Tây (Hà Nội ngày nay) đem gia quyến đến lập nghiệp... Đất lành chim đậu, làng Hội Hiền thuận lợi về giao thông, lại có địa thế bằng phẳng, màu mỡ.

Một điều rất đáng trân trọng là dù có nhiều dòng họ, ở tứ xứ, nhưng làng Biên xưa vẫn giữ được truyền thống đoàn kết, cùng nhau chống chọi với thiên nhiên, giặc dã để giữ làng, giữ nước. Từ tinh thần ấy mà sau này làng đổi tên thành Hội Hiền mang ý nghĩa là nơi hội tụ của những người hiền lành tử tế, sống đoàn kết thủy chung. Hội Hiền còn có nghĩa là nơi hội tụ các bậc hiền tài yêu nước, thương dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

Dẫn chúng tôi tham quan làng, ông Phùng Xuân Nhân có hơn 10 năm làm trưởng thôn Hội Hiền, tự hào cho biết: Trên địa bàn xã Tây Hồ có 2 di tích cấp tỉnh thì đều nằm trên đất thôn Hội Hiền, đó là đình làng Hội Hiền và đền thờ bà Am. Điều đó cho thấy việc phát huy bảo tồn giá trị di tích được bà con Nhân dân trong làng làm rất tốt.

Lại nói về ông Đinh Thời Dĩnh, Thành hoàng làng Hội Hiền. Ông vốn là một nhà sư trụ trì chùa ở Sơn Nam, thông thạo kinh Phật, giỏi chữ nghĩa, võ thuật cao cường, sau phá giới vào quân ngũ. Ngoài việc hướng dẫn cho Nhân dân trong làng sản xuất gieo trồng lúa màu, chăn nuôi, ông Đinh Thời Dĩnh còn dạy học, làm thuốc trị bệnh cứu người. Với mong muốn hướng thiện cho dân làng, và những người ở các làng lân cận, ông Dĩnh còn dựng một ngôi chùa để mọi người cùng tịnh tâm niệm Phật. Dân làng kính trọng và quý mến tôn ông là Phụ hương trung. Khi ông mất, dân làng mai táng chu đáo và lập đền thờ. Hằng năm cứ đến ngày mất và ngày sinh của ông, Nhân dân trong làng sắm sửa lễ vật và đến đền thờ để thắp hương, dâng lễ. Sau này các vua triều Lê và Nguyễn đều phong ông là Thượng đẳng thần.

Đình làng Hội Hiền, xã Tây Hồ (Thọ Xuân) đang xuống cấp nghiêm trọng.

Bên cạnh Thành hoàng làng Đinh Thời Dĩnh thì đối với người dân Hội Hiền, bà Am là một trong số ít nhân vật linh thiêng. Sách Lịch sử xã Tây Hồ có chép sự kiện năm 1424, khi Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đang trong một lần rút quân qua làng Hội Hiền, thấy cô gái đang múc nước ở một cái giếng đất, đã dừng lại hỏi đường và địa thế khu vực, cô gái chỉ đường và nói tường tận. Lúc ấy, Lê Lợi có nói rằng sau này khi dẹp xong giặc, ông sẽ cho người xuống hỏi nàng làm vợ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao chỉ mấy ngày sau nàng không bệnh mà mất. Truyền thuyết còn kể rằng, suốt thời gian nằm gai nếm mật, Lê Lợi luôn mộng thấy người con gái làng Hội Hiền theo sát động viên, khích lệ ông đánh thắng quân Minh. Nhớ ơn nàng, Lê Lợi cho người lập đền thờ và phong sắc “Quốc mẫu trinh liệt Hoàng phi Lê Thị Ngọc Ân”, cấp ruộng thờ cúng, phong quốc tính (họ Lê), đặt tên là Ân (ân là ơn). Sau này, dân Hội Hiền vì kiêng tên húy và duệ hiệu của bà nên gọi chệch đi là Ngọc Am.

Trải qua nhiều thế kỷ, cảnh quan thiên nhiên nơi đây đã không còn được nguyên vẹn, những cây cổ thụ đã biến mất, các ngôi đền cổ kính sau khi biến thành xưởng chế tạo vũ khí trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cũng đã hư hỏng xuống cấp. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa luôn được bà con Nhân dân làng Hội Hiền gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đặc biệt hương ước làng là quy tắc ứng xử mang tính bắt buộc để mỗi người phải tuân thủ nhằm duy trì một cách bền vững các mối quan hệ trong cộng đồng.

Phát huy lợi thế từ khi có tuyến đường 47B và 47C chạy qua, người dân Hội Hiền đã phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh dịch vụ thương mại bên cạnh việc trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, làng có 470 hộ/1.708 nhân khẩu với thu nhập trung bình gần 70 triệu đồng/người/năm.

“Từ khi được công nhận làng văn hóa vào năm 1995 đến nay sau gần 30 năm, với sự nỗ lực và phấn đấu của từng người dân mà thôn Hội Hiền đã hoàn thành các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu, góp phần vào việc xây dựng quê hương Tây Hồ (Thọ Xuân) ngày càng giàu mạnh”, ông Lê Đình Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Hồ cho biết.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lang-hoi-hien-tren-dat-tay-ho-32916.htm