Triển lãm 'Thiên Quang': Tôn vinh nghề thủ công truyền thống

Triển lãm 'Thiên Quang' khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của Trời và Đất soi chiếu Thăng Long - nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống.

Chiều 22/12, tại khu Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức lễ khai mạc triển lãm nghệ thuật đương đại “Dấu xưa văn hiến” năm thứ 3 với chủ đề “Thiên Quang”.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết: Triển lãm là kết tinh của niềm đam mê với di sản văn hóa dân tộc nói chung và với Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng của các họa sĩ trẻ - những người luôn đau đáu với việc gìn giữ và phát huy giá trị cho các di sản, nối tiếp mạch nguồn của văn hiến dân tộc.

Tiếp nối thành công của hai mùa trước “Dấu xưa văn hiến” (2022) và “Soi bóng Thăng Long” (2023), các tác phẩm năm nay tập trung tái hiện sự phát triển của các làng nghề nổi tiếng như nghề ươm tơ dệt lụa, dệt vải nhuộm vải, thêu thùa may vá; nghề đúc đồng, nghề rèn, nghề chế tác vàng bạc thiếc; nghề mộc làm giường tủ bàn ghế, giương hòm, gương lược; nghề làm sơn mài, nghề làm vàng mã, khắc con dấu, nghề đóng thuyền, bè, làm buồm, dây chão; nghề trồng hoa… của Thăng Long xưa.

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Triển lãm giới thiệu 10 tác phẩm của 9 nghệ sĩ được sáng tác, sắp đặt theo nhiều phong cách, chất liệu đa dạng về những giá trị văn hiến.

Mỗi tác phẩm là một cách nhìn độc đáo về giá trị của di sản Thăng Long - Hà Nội, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tạo nên những xúc cảm đặc biệt đối với công chúng tham quan.

Tác phẩm "Giọt Hạnh - Tơ Vàng", của hai tác giả Phan Minh Bạch và Hà Phạm tôn vinh phẩm hạnh người phụ nữ Việt qua biểu tượng thuyền lụa và kén tơ vàng.

Tác phẩm "Giọt Hạnh - Tơ Vàng", của hai tác giả Phan Minh Bạch và Hà Phạm tôn vinh phẩm hạnh người phụ nữ Việt qua biểu tượng thuyền lụa và kén tơ vàng.

Các tác phẩm sử dụng các chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, gốm, giấy dó… kết hợp các kỹ thuật hiện đại như sắt, inox, mica, kính, các loại đèn hiện đại, các loại sơn dầu, acrylyc, tổng hợp...

Đặc biệt, tại triển lãm, công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng tác phẩm chung mang tên “Giếng Thiên Quang”. Đây là sự kết hợp sáng tạo của 9 họa sĩ, lấy cảm hứng từ di sản “Giếng Thiên Quang” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tác phẩm được thiết kế dưới dạng đèn tròn với các mảnh ghép nghệ thuật thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời.

Chia sẻ về ý nghĩa và quá trình thực hiện triển lãm, nhà điêu khắc, kiến trúc sư Nguyễn Trường Giang, Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Với chủ đề giếng Thiên Quang, các anh em nghệ sĩ chúng tôi đã được làm việc ngay từ đầu, cũng như có thời gian để chuẩn bị cho chất liệu và lên ý tưởng. Hy vọng trong những năm tới, những câu chuyện về di sản, về văn hóa Hà Nội sẽ tiếp tục được thể hiện, đến với công chúng nhiều hơn nữa”.

Triển lãm diễn ra từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/03/2025, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho công chúng.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trien-lam-thien-quang-ton-vinh-nghe-thu-cong-truyen-thong-182290.html