Khách Pháp chờ 5 năm cho lần đầu đi metro số 1

Sau hơn 5 năm chờ đợi, cuối cùng tôi đã có thể mục kích biểu tượng đô thị mới tại thành phố mình sẽ gắn bó trong suốt những năm tháng về sau.

“Biển người ‘check-in’ tuyến metro số 1”, “hàng dài người dân đợi vào trải nghiệm metro”, “tuyến metro số 1 quá tải ngày đầu khai trương”... là loạt tin tức nhảy lên màn hình điện thoại tôi sáng 22/12 - ngày khởi chạy thương mại tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Không nằm ngoài làn sóng trên, 15h cùng ngày, tôi cùng gia đình nhỏ của mình "lên đồ", cùng nhau đi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của thành phố và ghi lại những hình ảnh tại biểu tượng mới.

Lần trải nghiệm này cũng là dịp tôi khảo sát độ tiện lợi của công trình để cân nhắc di chuyển thường xuyên.

Tôi là Timotheé Rousselin, sinh sống và làm việc tại TP.HCM gần 6 năm. Trước đó, tôi có hơn 15 năm “lăn lộn” trong lĩnh vực F&B tại Paris (Pháp). Chặng đường đã củng cố mảng tính cách thích khám phá những điều mới, đặt chân đến những chân trời mới trong tôi. Với sự năng động vốn có, TP.HCM là điểm dừng chân và là nơi tôi gắn bó trong gần 6 năm qua.

Ngay từ ngày đầu đặt chân đến đây vào giữa năm 2018, tôi đã nghe đến tuyến đường sắt này. Trong ngần ấy thời gian, tôi luôn cập nhật tin tức về tiến độ thi công công trình, từ việc xây cầu cạn năm 2018, các toa đầu tiên lần lượt được lắp đặt cho đến lần chạy thử nghiệm vào năm 2022. Sau hơn 5 năm, tôi mới được trải nghiệm trực tiếp.

Đường sắt đô thị không phải là khái niệm mới đối với một người sinh ra và sống lâu năm ở Paris (Pháp) - thủ đô sở hữu mạng lưới giao thông rộng khắp và đi trước thời đại - như tôi. Nhớ lại thời còn sinh viên, tôi di chuyển bằng tàu điện ngầm đều đặn 2 lần mỗi ngày.

Ra đời từ những năm 90, hệ thống đường sắt tại Pháp đã “già” và quá tuổi để gồng gánh hàng nghìn khách/ngày. Tôi luôn gặp một vài sự cố nhỏ như trễ chuyến, quá tải, thậm chí là có phần chưa sạch sẽ.

Còn tại TP.HCM, tuyến đường sắt mới tuy còn non trẻ nhưng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Lần đầu tiên đặt chân xuống ga ngầm Bến Thành (quận 1), tôi ấn tượng với giếng trời hình hoa sen. Đây là một thiết kế thông thái khi sở hữu công năng hút sáng cho ga ngầm và uyển chuyển lồng ghép hình hài loài hoa đặc trưng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, với lượng khách đông đảo vào ngày đầu tiên chạy thương mại, không dễ cho dàn nhân viên bao quát toàn bộ khu vực. Dẫu vậy, họ vẫn đảm bảo ga hoạt động trơn tru. Đây cũng là một trong số điểm cộng dù vẫn có một vài sự cố nhỏ.

Hành trình “lên ga xuống tàu”, khám phá một góc khác của TP.HCM của tôi bắt đầu sau 2 tiếng chờ đợi. Cảm nhận đầu tiên của tôi là bên trong tàu khá sạch sẽ và hiện đại. Đông du khách đứng chật cứng lối đi, ghế ngồi không một khe hở. Tuy vậy, nhiệt độ trong người tôi bắt đầu hài hòa trở lại chỉ sau vài giây nhờ hệ thống điều hòa hoạt động khá trơn tru.

Tôi không đi toàn ga mà lựa chọn ghé những điểm tôi cho là “ăn tiền” nhất bao gồm Nhà hát Thành Phố, Thảo Điền và An Phú.

Xuống ga Nhà hát, gia đình tôi đi bộ chỉ khoảng 500 m đã đến tham quan nhà hát trung tâm. Nếu theo góc nhìn của một du khách, khoảng cách từ ga đến điểm du lịch gần như vậy là một lợi thế rất lớn để tăng trưởng lượng người ghé thăm. Ngoài ra, đối với nhóm khách gia đình, việc đi lại nhanh chóng giúp con nhỏ đỡ mệt sức, kéo dài cuộc vui của cả nhà.

Quay trở lại ga ngầm, tôi nhanh chóng tìm một chỗ ngồi nhằm thuận tiện cảm nhận bao quát. Tôi chưa kịp thả dáng, tàu thông báo đã đến Thảo Điền. Đây là một trong 14 ga tôi nhất định sẽ giới thiệu cho những người bạn nước ngoài của mình đến "check-in" với góc nhìn phía tòa nhà chọc trời Landmark 81 và khám phá thêm ngóc ngách tại điểm đến khác chẳng hạn khu phố Tây, các quán cà phê ven sông, khu phức hợp giải trí ở Thảo Điền...

Trong thời gian chờ đợi tàu, tôi thử thách bản thân với tấm bản đồ ở ga. Với vốn tiếng Việt ít ỏi, tôi vẫn có thể dễ dàng theo dõi hành trình và tìm kiếm điểm đến mong muốn. Bên cạnh đó, bên trong tàu, thông tin dừng/đỗ, cửa ga lên/xuống, tên trạm dừng kế tiếp, cảnh báo hành khách đều được thông báo trên loa.

Khoảng 15h15 (tính cả thời gian trải nghiệm tại Nhà hát Thành phố, Thảo Điền), tàu thông báo đến ga An Phú. Ngay từ khi bước chân xuống ga, tôi đã có ý định sử dụng phương tiện này đi làm thường xuyên bởi tòa nhà tôi đang sống nằm dưới chân ga, đi bộ chưa đến 5 phút.

Giá vé khá phải chăng. Nhân viên tàu cho biết mức giá dao động 7.000-20.000 đồng, tùy vào quãng đường di chuyển và phương thức thanh toán, khá rẻ so với ở Pháp (50.000 đồng/chặng).

Đúc kết hành trình trải nghiệm từ ga Bến Thành, quận 1 (gần nơi làm việc) đến An Phú (nơi tôi sống), mọi thứ không làm tôi thất vọng sau bao năm đợi chờ mòn mỏi. Tàu chạy khá êm ái, bản đồ tuyến rõ ràng, mức giá hợp lý, quan trọng hơn cả là tuyến đường sắt giải quyết áp lực của tôi mỗi sáng là tình trạng kẹt xe.

 Tuyến metro trên cao đoạn đi qua ga Thảo Điền (TP. Thủ Đức). Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuyến metro trên cao đoạn đi qua ga Thảo Điền (TP. Thủ Đức). Ảnh: Quỳnh Danh.

ZLocal là series về trải nghiệm du lịch và ẩm thực tại TP.HCM qua góc nhìn du khách quốc tế. Tại đây, mỗi khách mời khám phá những địa điểm đậm tính địa phương, nơi chỉ người dân thành phố mới biết và gắn bó. Đồng hành cùng du khách là một người bản địa với vai trò giới thiệu, lan tỏa văn hóa sống ở đô thị lớn nhất Việt Nam.

Tường Vi - Hoàng Vũ - Phương Lâm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khach-phap-cho-5-nam-cho-lan-dau-di-metro-so-1-post1519769.html