Triển lãm thư pháp 'Hương thơm quê mẹ' của thiền sư Thích Nhất Hạnh
'Hương thơm quê mẹ' gửi gắm những tâm tình hướng về đất mẹ - quê hương Việt Nam của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó cũng là những yêu thương gửi đến mẹ Trái đất - hành tinh xanh và xinh đẹp đã dưỡng nuôi và chở che con người.
"Hương thơm quê mẹ" là chủ đề của bộ sưu tập 80 tác phẩm thư pháp cùng hơn 145 đầu sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh được trưng bày tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ ngày 14/4 đến 26/4. Tất cả được sắp xếp, bày trí tinh tế trong một không gian triển lãm đậm chất thiền, tao nhã và tĩnh tại.
"Hương thơm quê mẹ" gửi gắm những tâm tình hướng về đất mẹ - quê hương Việt Nam của thiền sư. Đồng thời đây cũng là những yêu thương gửi đến cho đất mẹ - hành tinh xanh và xinh đẹp đã dưỡng nuôi và chở che con người. Hình ảnh quê hương thể hiện trong sách khiến mỗi người nhận ra thiền định không phải điều xa lạ mà ở ngay chính cuộc sống bình dị, những sinh hoạt thường ngày.
Khi bước chân vào triển lãm sách và thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh, mỗi người lặng yên thưởng thức, chiêm nghiệm những bức thư pháp. Tất cả bước đi nhẹ nhàng như trở về với chính mình, lắng lòng mỗi khi tiếng chuông chánh niệm vang lên.
Sư thầy Pháp Niệm - đệ tử của thiền sư - cho biết: "Sư ông Làng Mai không phải nhà thư pháp, chỉ mượn thư pháp để truyền đạt giáo lý nhà Phật. Nét thư pháp cũng là nét chữ thường ngày của sư ông". Còn thầy Thích Chân Pháp Khâm - Viện trưởng Viện Phật học ứng dụng châu Á - nhận định, với thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết thư pháp cũng là một môn thiền định. Những tác phẩm của thiền sư lan tỏa năng lượng của tuệ giác, chuyển tải được tinh thần văn hóa dân tộc và nếp sống tỉnh thức. Ở đó, nghệ thuật, văn hóa và nếp sống tỉnh thức hòa quyện với nhau một cách rất tuyệt vời.
Thiền sư luôn đưa đạo Phật gắn liền với đời sống, để những triết lý thấm nhuần trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Phương pháp thực tập chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh nổi tiếng khắp thế giới vì thực hành đơn giản nhưng mang lại hiệu quả sâu sắc, đem đến tinh thần hòa ái, trị liệu tâm thức con người trong xã hội hiện đại nhiều áp lực, khủng hoảng.
Mỗi bức thư pháp của sư ông đều như một câu kinh để mọi người đọc và nuôi dưỡng những chất liệu của lòng biết ơn, của từ bi, yêu thương, để cùng sống trong chánh niệm và tỉnh thức, cùng nhau hướng đến một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn. "Không bùn thì không sen: Hoa sen không thể hiện hữu nếu không có bùn. Cũng vậy, không có khổ đau thì không có hạnh phúc. Nhờ có khổ đau mà ta chế tác hạnh phúc. Cho nên, hoa sen không che bỏ bùn, hoa sen nở ra xinh đẹp để ta thấy được giá trị của bùn".
Tại triển lãm lần này, công chúng sẽ tự chiêm nghiệm trước những thông điệp giản đơn mà giàu ý nghĩa, tự học cách điều hòa các mối quan hệ khi xem các bức thư pháp như "Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương", "Biết thương mình để được thươnơg", "Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc"...
Sư trưởng của Làng Mai Thích Nữ Chân Không nhấn mạnh nhất đến ý nghĩa câu thư pháp "Reverence is the nature of my love" (Thương yêu là kính ngưỡng, là bảo vệ, đó là tình tôi). Theo sư cô, thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn nhắc đến tình yêu thương con người, tình yêu thương trong gia đình giữa bố mẹ-con cái, giữa vợ chồng. Trải qua 1 năm, 5 năm, 30 năm hay hơn thế nữa, vợ chồng nên luôn cảm thông và tương kính nhau thì cuộc hôn nhân đó mới hạnh phúc và bền vững. Bí quyết của thiền sư để hài hòa các mối quan hệ là "Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương!".
Ngoài các tác phẩm thư pháp, triển lãm còn trưng bày hơn 145 đầu sách tiếng Việt của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tác giả của hàng trăm đầu sách, nhiều cuốn được xếp hạng bestseller như: An lạc từng bước chân, Từng bước nở hoa sen, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Giận, Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời...
Dưới đây là một số hình ảnh trong triển lãm: