Triển lãm tranh online kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa xuân 1975
Bức tranh 'Đất này của tổ tiên ta' chính là lời khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc, là quyết tâm gìn giữ từng tấc đất cha ông của quân dân Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn là một đề tài lớn của văn học nghệ thuật nước nhà nói chung và mỹ thuật nói riêng. Chùm tác phẩm đặc sắc mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn đang giới thiệu trên website của Bảo tàng có thể coi là những trang sử sinh động bằng hội họa bởi ở đó có đầy đủ những cung bậc cảm xúc. 45 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975 nhưng cảm xúc về sự kiện vĩ đại ấy vẫn được lưu giữ nguyên vẹn qua nhiều bức họa.
Không né tránh sự tàn khốc của chiến tranh, nhưng vượt lên tất cả trong những bức tranh là vẻ đẹp yên bình, lãng mạn của quê hương đất nước giữa những khoảng lặng của cuộc chiến, trong tình quân dân ấm áp. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh của dân tộc để rồi thắng lợi đến như điều tất yếu.
Tác phẩm sơn mài “Đất này của tổ tiên ta” được họa sĩ Nguyễn Thế Vinh (Nguyễn Vĩnh Nguyên) hoàn thành năm 1970. Bức tranh khắc họa khoảng lặng sau trận đánh. Bốn nhân vật, người châm thuốc hút, người dựa thân cây, người ngồi lau súng… luôn sẵn sàng chiến đấu. Chiếc bàn thờ đơn sơ với mái che dựng tạm trên nền ngôi nhà đổ nát do bom đạn tàn phá được đặt ở trọng tâm bức tranh, thể hiện sự tôn vinh giá trị thiêng liêng nguồn cội và nét đẹp văn hóa Việt Nam.
“Đây là giây phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ du kích sau trận đánh. Trên mảnh đất quê hương tan nát vì bom đạn nhưng những người chiến sĩ vẫn dựng lều để giữ bàn thờ tổ tiên với ánh đèn dầu leo lét mà bừng sáng, đàn gà được nuôi để tăng gia sản xuất, cung cấp lương thực cho chiến sĩ “ - ông Nguyễn Thế Hưng, con trai họa sĩ Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.
Bức tranh với gam màu nóng cùng sắc rực rỡ của vàng, son diễn tả lửa khói của bom đạn, gợi ra sự khốc liệt của cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Khung cảnh làng quê trong chiến tranh hiện ra xơ xác, tiêu điều. Ngoài bốn nhân vật chính thì hình ảnh hai chú gà là chi tiết gắn kết chặt chẽ bố cục bức tranh.
Dưới bàn tay tài hoa của người họa sĩ, “Đất này của tổ tiên ta” chính là lời khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc, là quyết tâm gìn giữ từng tấc đất cha ông của quân dân Việt Nam.
Tác phẩm sơn khắc “Tải đạn” được họa sĩ Lê Thanh Trừ sáng tác năm 1975 mô tả một hình thức vận chuyển vũ khí bằng thuyền ba lá trên sông rạch rất đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Thuyền cập bến, các nữ dân quân lội nước chuyển vũ khí vào bờ. Ở đó, một số nam, nữ dân quân và bộ đội đang nói chuyện, trao đổi trong lúc tạm nghỉ. Khoảnh khắc yên bình nơi vùng căn cứ kháng chiến được tác giả thể hiện trong khung cảnh nhẹ nhàng.
Với bút pháp hiện thực, cách tạo hình chi tiết của đồ họa, cách sắp xếp bố cục nhiều nhóm nhân vật, cách sử dụng mảng, nét, đậm nhạt… tạo nhịp điệu chuyển động, tác giả cho thấy một phần đời sống của quân dân du kích miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bức tranh sơn mài “Trái tim và nòng súng” là một tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh sống động cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của phụ nữ Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
“Trái tim và nòng súng” tái hiện đoàn người biểu tình, đa phần là phụ nữ Nam Bộ trong trang phục áo bà ba, khăn rằn, nón lá, đang đấu tranh với lực lượng vũ trang của địch. “Trọng tâm của bức tranh là hai người phụ nữ với dáng điệu cương quyết, tượng trưng cho chính nghĩa. Sự tương phản giữa khí thế lấn át của đông đảo quần chúng với sự đơn độc của kẻ thù đã thể hiện không khí cách mạng rực lửa, lòng căm thù quân giặc cùng niềm tin chiến thắng của những người biểu tình. Màu đỏ son trầm lắng bao trùm toàn cảnh bức tranh. Hình ảnh đó như minh chứng về một chặng đường cách mạng đã qua với chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ cảm nghĩ.
Tác phẩm sơn mài “Dân quân gái Ngư Thủy” do họa sĩ Hoàng Trầm sáng tác năm 1971 giới thiệu về những cô gái thuộc đại đội pháo binh nữ dân quân Ngư Thủy. Trong tranh, những cô gái tuổi còn rất trẻ vừa học tập, vừa không quên làm nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi mọi diễn biến của chiến trường. Lửa đạn chiến tranh không thể vùi lấp đi nét duyên dáng, sức trẻ cùng nhiệt huyết cháy bỏng của các nữ dân quân.
Tác giả sử dụng lối vẽ tả thực, có sự cân nhắc về hình mảng, đường nét trong bố cục hình tròn. Mảng sáng nổi bật của chiếc bàn là điểm nhấn chính trong bố cục tác phẩm. Cách thay đổi về đường hướng của nét, của mảng được nghiên cứu kỹ, hình dáng nữ dân quân với mảng to đậm, đối lập nét xiên liêu xiêu của vách hầm xung quanh. Bảng màu sơn mài với sắc đỏ son, nâu, vàng được tạo chất trong các hình thể với nhiều cung bậc của sắc độ đậm nhạt. Đây là kỹ thuật rất khó thành công trong chất liệu sơn mài, vậy mà họa sĩ đã thể hiện một cách nhuần nhuyễn.
“Dân quân gái Ngư Thủy” được đánh giá thành công cả về nội dung lẫn hình thức biểu đạt, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Hoàng Trầm.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm tranh nhân kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã được bảo tàng lên kế hoạch từ lâu, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bảo tàng đã đưa những tác phẩm này lên website nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng. Đây cũng là dịp để hồi tưởng về một chiến công oanh liệt trong lịch sử, thể hiện tình cảm, tấm lòng biết ơn của thế hệ hôm nay trước thế hệ cha ông đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.