Triển lãm tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ: Lan tỏa tình yêu lịch sử đất nước
Cẩn thận lưu giữ, giới thiệu từng tác phẩm về Chiến dịch Điện Biên Phủ được các em học sinh tỉ mẩn thực hiện, cô Nguyễn Ngọc Hân, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lợi tự hào và xúc động: 'Giờ đây, các con đã tiếp cận và yêu mến môn lịch sử theo cách riêng'.
Có dịp ghé thăm Trường trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), mới được tận mắt nhìn thấy những sản phẩm chỉn chu do các bạn học sinh thực hiện trong Cuộc thi tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ mà nhà trường tổ chức.
Trước đó vài ngày, đoạt giải Nhất cuộc thi, lớp 6A1 được chọn để tham quan Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Trụ sở Báo Nhân Dân. Tại đây, nhiều học sinh trong lớp không khỏi trầm trồ khi nhìn thấy bức tranh panorama về Chiến dịch Điện Biên Phủ khổ lớn - một tác phẩm được xây dựng với hơn 4.500 nhân vật do hàng trăm họa sĩ hoàn thiện trong nhiều năm.
Cô Nguyễn Ngọc Hân, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lợi chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên mà nhà trường lại sắp xếp lớp 6A1 đến dự triển lãm. Lớp này đã thực hiện cuốn nhật ký bằng tranh rất chi tiết với những thông tin và hình ảnh vẽ tay về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cho nên, chúng tôi muốn cho các con đến Báo Nhân Dân để xem trực tiếp và có cái nhìn cụ thể về sự kiện. Từ đó, nhà trường hy vọng các con sẽ có những cảm nhận sâu sắc hơn”.
Đảm nhận vai trò ký họa cho tác phẩm, học sinh Ngô Ngọc Diệp bày tỏ sự thích thú khi đứng trước bức tranh panorama khổ lớn. Theo Ngọc Diệp, bức tranh panorama được trưng bày tại khuôn viên Báo Nhân Dân từ ngày 7-12/5 vừa qua, đồ sộ về cả ý tưởng lẫn quy mô thực hiện.
Nhớ lại quá trình cùng các bạn thực hiện cuốn nhật ký về Chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngọc Diệp cho hay: “Khi bắt tay vẽ hình ảnh cho cuốn nhật ký, chúng em đã gặp không ít khó khăn khi thể hiện nét mặt và biểu cảm của các chú bộ đội. Trong bức panorama tại triển lãm là hình ảnh về người lính Cụ Hồ đã được khắc họa vô cùng sinh động và tự nhiên. Bên cạnh đó, màu sắc cũng được nhóm họa sĩ chọn lựa rất hài hòa, các chi tiết đều cho thấy sự kỳ công của người vẽ”.
Lần giở từng trang sách, Bùi Minh Nguyệt, người phụ trách nội dung của cuốn nhật ký về Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ, thực ra, thông tin chung về toàn chiến dịch khá nhiều trên internet, nhưng không dễ để em tìm được diễn biến chi tiết trong 56 ngày đêm. Sau khi đến Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lớp đã có sự đối chiếu và bổ sung thông tin về sự kiện lịch sử để hoàn thiện hơn cuốn nhật ký.
“Triển lãm đã tái hiện chân thực khung cảnh quân và dân ta anh dũng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Không chỉ bị cuốn hút bởi những trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường, em còn rất ấn tượng bởi lượng thông tin vô cùng đồ sộ và chi tiết đằng sau những mã QR được Báo Nhân Dân thu thập”, Minh Nguyệt cho biết thêm.
Những người làm giáo dục vẫn luôn trăn trở để tìm ra phương pháp khơi dậy sự hứng thú của học sinh với các môn xã hội. Họ cũng không ngừng tìm lời giải cho bài toán: dạy lịch sử thế nào để các em cảm thấy thú vị, nhớ lâu và tránh tình trạng học thuộc lòng. Song, việc truyền tải tình yêu lịch sử và để học sinh chủ động tiếp cận môn học theo cách riêng là vô cùng cần thiết.
“Đối với bất cứ thế hệ nào, hoạt động giáo dục về môn lịch sử đều vô cùng quan trọng. Bởi hiểu về lịch sử dân tộc cũng thể hiện lòng yêu đất nước. Vì thế, bên cạnh những tiết học ở trường, nhiều học sinh đã chủ động tìm hiểu, trao đổi với giáo viên. Đồng thời, việc tham gia các triển lãm, hoạt động thực tế đã giúp các con nhớ sâu và lâu hơn. Giờ đây, các con đã tiếp cận và yêu mến theo cách riêng”, cô Nguyễn Ngọc Hân, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lợi nhận định.
Trẻ mầm non, học sinh tiểu học cũng say sưa xem triển lãm
Từ 7 giờ rưỡi, 200 bạn nhỏ Trường mầm non Tháng 8 đã nối đuôi nhau từ phố Nhà Chung sang Hàng Trống để đến Trụ sở Báo Nhân Dân xem Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi lớp có 2 cô giáo chuẩn bị cho các em nhỏ đầu tóc gọn gàng, áo quần chỉnh tề.
“Trước khi đi, các cô đã nói cho các con nghe về ý nghĩa và mục đích của buổi tham quan. Đến nơi, lần lượt trải nghiệm hoạt động cắt, dán báo và dạo quanh triển lãm, nhiều bạn đã nhảy cẫng lên vì thích thú. Các con còn thi nhau đếm có bao nhiêu lá cờ Tổ quốc trên bức tranh”, cô Trần Kim Ngọc, giáo viên Trường mầm non Tháng 8 nhớ lại.
Cũng trong suốt 6 ngày diễn ra triển lãm, Trường tiểu học Tràng An đã đưa hàng trăm học sinh đến tham quan và trải nghiệm. Theo thầy Vương Viết Hải, Tổng phụ trách Đội nhà trường, hoạt động trên không chỉ giúp học sinh có thêm kiến thức về môn lịch sử mà còn nuôi dưỡng niềm tự hào về những chiến công, sự hy sinh lớn lao của quân và dân ta. Thay vì chỉ chăm chú vào những lý thuyết khô cứng, tiếp cận theo hướng thực tế sẽ giúp môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn đối với học sinh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lan-toa-tinh-yeu-ve-lich-su-dat-nuoc-post809169.html